Chứng khoán tăng mạnh gần 20 điểm

Dòng tiền mua vào trong phiên chiều đã kéo VN-Index tăng gần 20 điểm, qua đó giúp chỉ số đóng cửa ở mốc 1.258 điểm.

VN-Index chứng kiến mức tăng mạnh nhất 1 tháng qua. Ảnh: Phương Lâm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch sáng 17/9 dao động quanh tham chiếu với biên độ rất hẹp. Tuy nhiên, khi phiên chiều vừa mở cửa, sự xuất hiện của dòng tiền mua vào đã dần kéo VN-Index đi lên.

Việc thanh khoản toàn thị trường không ghi nhận bất cứ đột biến đáng kể nào xuyên suốt phiên giao dịch cũng cho thấy nguồn cung đã hạ nhiệt.

Kết phiên, VN-Index tăng 19,69 điểm (-1,59%) lên 1.258,95 điểm; HNX-Index tăng 1,46 điểm (+0,63%) lên 232,3 điểm; UPCoM-Index tăng 0,55 điểm (+0,59%) lên 93,12 điểm.

Sắc xanh áp đảo trên bảng điện tử với 514 mã tăng (gồm 22 mã tăng trần), 849 mã giữ tham chiếu và 242 mã giảm (gồm 13 mã giảm sàn).

Riêng rổ cổ phiếu vốn hóa lớn đóng góp 29 mã tăng và duy nhất PLX giữ tham chiếu. Chỉ số đại diện rổ cũng có ngày bùng nổ khi tăng 1,7% lên mốc 1.303 điểm.

Động lực kéo chỉ số chính tăng điểm chủ yếu đến từ những cổ phiếu trụ như VHM (-5,4%), VCB (-1,8%), BID (-2%), TCB (-2,5%), VIC (-2%), VNM (-2,1%), GVR (-2%), FPT (+1,4%), HPG (+1,6%) và VPB (+1,6%).

Mặt khác, áp lực từ những cổ phiếu vốn hóa thấp như ITA (kịch sàn), SGR (kịch sàn), TCD (-5,6%), BWE (-0,8%), DSE (-0,9%), DTL (kịch sàn), APH (-2,8%), SMC (-6,8%), OGC (-2,4%), CRE (-1%) không đáng kể.

chung khoan tang manh,  chung khoan hom nay anh 1

VN-Index được vực dậy sau khi thủng mốc 1.240 điểm. Ảnh: VNDirect.

Dòng tiền của nhà đầu tư lan tỏa sang nhiều nhóm ngành, nhưng nổi trội nhất vẫn là 2 nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa cao trên thị trường là tài chính và bất động sản.

Ở nhóm tài chính, bên cạnh sự khởi sắc của các mã ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán cũng có ngày giao dịch thuận lợi với SSI (+1,8%), HCM (+2,8%), VIX (+2,2%), VCI (+5%), FTS (+3,2%), VND (+3,1%).

Trong khi đó, nhóm bất động sản và chứng khoán có sự vươn lên của hàng loạt cổ phiếu top đầu như “họ Vin” hay DIG (+2,7%), PDR (+5%), DXG (+4%), CEO (+3,3%), KBC (+2,2%), KDH (+1.7%).

Riêng cổ phiếu NVL của Novaland cũng thoát cảnh bán tháo sau khi HoSE công bố quyết định đưa mã này vào diện cảnh báo từ 23/9. Nguyên nhân là Novaland chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2024 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Trước đó trong phiên sáng, cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản phía Nam có thời điểm giảm 5% và rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.

Không may mắn như NVL, cổ phiếu ITA giảm kịch sàn sau khi Tân Tạo bị HoSE thông báo đã rơi vào diện đình chỉ giao dịch do chưa hoàn thành nhiều nghĩa vụ về công bố thông tin.

Khối ngoại mua ròng 500 tỷ đồng, tập trung mạnh vào nhóm bất động sản như VHM (+188 tỷ đồng), NVL (+45 tỷ đồng), DIG (+39 tỷ đồng), PDR (+33 tỷ đồng). Ngoài ra, FPT cũng được mua mạnh 187 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, các nhà đầu tư ngoại chốt lời MWG (-152 tỷ đồng), KDH (-30 tỷ đồng), VPB (-23 tỷ đồng).

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/chung-khoan-tang-manh-gan-20-diem-a211231.html