01
Tôi từng đọc câu chuyện thế này:
Một người nông dân có hai người con trai. Sau khi qua đời, người nông dân để lại cho mỗi người con hai lạng bạc và hai mẫu đất bạc màu.
Người con trai cả làm việc ban ngày, ban đêm dùng tiền mua thức ăn và rượu.
Người con trai thứ ban ngày cũng làm ruộng chăm chỉ nhưng sống rất tiết kiệm. Mỗi ngày anh chỉ ăn vài chiếc bánh hấp cho đỡ đói. Anh dùng số tiền tiết kiệm để học thêm và trở thành thợ mộc.
Sau này, người con trai cả tiêu hết tiền và sống dựa vào việc thu hoạch nông sản trên hai mẫu đất rồi nhanh chóng trở thành kẻ nghèo khó.
Còn người con trai thứ học nghề mộc, nên khi rảnh rỗi, anh đi khắp nơi để học hỏi các xưởng mộc. Cuối cùng, anh mở được một xưởng mộc của riêng mình và sống một đời sung túc.
Hai anh em rõ ràng có điều kiện và xuất phát điểm giống nhau nhưng cách tiêu tiền khác biệt dẫn đến số phận cuộc đời cũng trái ngược.
Tôi phát hiện ra rằng, nhiều người mắc kẹt trong vòng xoáy nghèo nàn thích dùng tiền để làm thỏa mãn bản thân trong nhất thời. Ngược lại, người thông minh lại coi tiền là vốn để đầu tư vào bản thân, khiến anh ta ngày càng có giá trị.
Cách một người tiêu tiền quyết định tầm cao mà người đó có thể đạt tới. Nói cách khác nhiều khi, khả năng kiếm tiền của bạn trong tương lai phụ thuộc vào cách bạn đang tiêu từng đồng một ở hiện tại.
02
Khi còn trẻ, họa sĩ Sanyu ỷ lại vào nền tảng gia đình giàu có nên tiêu tiền hoang phí.
Khi đến Pháp du học, nếu những người bạn của anh ta chỉ được học ở trường công thì anh đã chọn "Grand Thatch Studio" nổi tiếng và đắt tiền hơn. Anh cũng thường xuyên chi tiền để hưởng thụ cuộc sống.
Trong khi những người khác đang làm việc và học tập thì Sanyu uống rượu, vui chơi suốt ngày,... Phần lớn đồng tiền của anh được dùng để đổi lấy đồ ăn, thức uống và nhu cầu giải trí.
Sau đó, gia đình anh đột ngột gặp khó khăn, tuy nhiên để duy trì địa vị cao quý, Sanyu vẫn tiêu tiền như nước. Chẳng bao lâu, anh ta tiêu hết tiền, mang nợ đầm đìa và sống cuộc đời khó khăn.
Nhà kinh tế Veblen đã đề xuất khái niệm “Conspicuous Consumer” (tạm dịch: Tiêu dùng dễ thấy).
Với khái niệm này, ông chỉ ra nhiều người chi tiêu liều lĩnh bất kể điều kiện tài chính của bản thân như thế nào nhằm thỏa mãn mong muốn thể hiện, để được người khác công nhận và ghen tị, cũng như khiến mình trông nổi bật hơn.
Thế nhưng kiểu tiêu dùng phô trương này sẽ dần dần làm hao mòn tài sản, cuối cùng khiến bạn mắc kẹt trong vùng đáy.
Thực tế xung quanh chúng ta có rất nhiều người như vậy. Họ tiêu xài hoang phí chỉ để thỏa mãn ham muốn vật chất và “phông bạt” trước người khác. Kết quả là họ rơi vào nhiều cạm bẫy tiêu dùng và đẩy cuộc đời của mình rơi vào bi kịch.
Nhà văn Thomas J. Stanley cho rằng: Tiêu dùng theo bản năng là một chiều, tiền chỉ có thể đi ra ngoài mà không thể vào được.
Mong muốn của con người là vô hạn nhưng nguồn tài chính thì có hạn.
Khi bạn sử dụng số tiền có hạn của mình để giải trí, bạn sẽ rơi vào đủ mọi thú vui và dần dần trượt xuống vực thẳm của nghèo đói.
03
Chuyên gia truyền thông Lương Sáng từng nói: "Những người ưu tiên chi tiêu cho tương lai, sẵn sàng chi tiền cho phát triển và tăng trưởng có thể tiết kiệm được ít nhất 10 năm đấu tranh."
Rất nhiều khi, nơi bạn tiêu tiền chính là nơi bạn lấy lại tiền.
Người sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg chỉ mặc áo phông và quần jean quanh năm. Anh ta chi tiêu rất ít cho việc hưởng thụ vật chất. Nhưng anh đã trả lương cao để thuê huấn luyện viên cá nhân giúp bản thân có thân hình đẹp và sức khỏe tốt. Điều này cho phép Mark Zuckerberg có năng lượng mạnh mẽ để đối phó, vượt qua mọi thử thách, cuối cùng giúp doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.
Bill Gates đã lái một chiếc ô tô cũ trong nhiều năm nhưng ông chưa bao giờ bỏ sót một số báo The Economist nào. Hàng năm ông đều bỏ tiền ra mua một số lượng lớn các tạp chí định kỳ để cập nhật những thông tin mới nhất. Điều này giúp ông luôn là người đứng đầu ngành, nắm bắt xu hướng thị trường, đưa ra những quyết định đúng đắn và dẫn dắt công ty tiếp tục cất cánh.
Chính những khoản đầu tư đúng đắn này đã khiến tài sản của họ nhân lên gấp bội lần.
Nhà văn Kinsella từng nói: “Người biết tiêu tiền sẽ biết cách đầu tư vào bản thân và tiêu tiền vào nơi có thể tạo ra giá trị mới tốt nhất ”.
Nếu bạn dùng tiền để nâng cao kỹ năng của mình, bạn sẽ làm việc tốt hơn và có được nhiều cơ hội hơn; nếu bạn dùng tiền để đọc sách và học tập, bạn có thể tiếp thu thêm kiến thức và mở rộng tầm nhìn.
Bằng cách liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng, giá trị và thu nhập của bạn cũng sẽ tăng lên.
Hãy tiêu tiền vào những thứ giúp bạn tốt hơn và cuối cùng bạn sẽ có được cuộc đời mà mình mong ước.