Nhật Bản cân nhắc tăng lãi suất bất chấp Fed nới lỏng

Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất sẽ phá vỡ mọi tiền lệ thiết lập với Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vừa giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm.

BOJ tăng lãi suất nhằm kéo nền kinh tế khỏi tình trạng giảm phát. Ảnh: Lam Yik/Bloomberg.

Theo Nikkei Asia, vào thứ Sáu vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã ra quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, chỉ hai ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5 điểm %. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Mỹ mới quyết định hạ lãi suất.

Chưa từng có tiền lệ

Kể từ khi BOJ có quyền tự chủ chính sách vào năm 1998, cơ quan này chưa từng tăng lãi suất khi Mỹ giảm lãi suất do rủi ro đồng yen tăng giá và biến động thị trường.

Tuy nhiên, lần này, một số quan chức của BOJ tiết lộ có khả năng ngân hàng này sẽ siết chặt lãi suất trong bối cảnh Fed tiếp tục nới lỏng.

Trước đó, BOJ đã quyết định tăng lãi suất vào tháng 8/2000, sau đó vào tháng 7/2006 và tháng 2/2007. Cả 3 lần này đều chấm dứt khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất để ứng phó với khủng hoảng "bong bóng dot-com” và bất động sản.

Lãi suất điều hành của Mỹ giảm thường tạo áp lực lên đồng yen, từ đó đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm. Đứng trước tình hình này, BOJ không đủ khả năng để tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết ngân hàng trung ương Nhật Bản đang chờ cơ hội thích hợp để nâng lãi suất từ khoảng 0,25% lên 0,5%.

Đồng yen đã thoát khỏi đà mất giá mạnh trong năm nay, giảm bớt áp lực tăng lãi suất cho quốc gia này. Tuy nhiên, BOJ sẵn sàng thay đổi chính sách nếu thị trường chứng khoán ổn định sau đợt điều chỉnh mạnh hồi tháng 8, và nếu các chỉ số kinh tế, lạm phát tiếp tục diễn biến theo dự báo.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tin rằng nền kinh tế Mỹ đang dần ổn định mà không rơi vào suy thoái. Hôm thứ Tư, Fed cũng ám chỉ có thể giảm tốc độ hạ lãi suất trong thời gian tới.

“Nếu vậy, áp lực mua đồng yen sẽ giảm và BOJ có thể tăng lãi suất”, Kazuo Momma, cựu quan chức cơ quan này, hiện là chuyên gia kinh tế trưởng tại Mizuho Research & Technologies, nhận định.

Nhìn vào mặt tích cực, nói với Tri Thức - Znews, ông Trần Duy Khánh, chuyên gia phân tích, giảng viên Học viện New World Education, nhận định: “Fed tuyên bố kinh tế Mỹ vẫn ổn định và phủ nhận lo ngại suy thoái nhưng vẫn giảm lãi suất mức 0,5 điểm % nhằm đưa chi phí đi vay trở lại mức bình thường nhanh hơn, loại bỏ sự hạn chế đối với nền kinh tế và bảo vệ thị trường lao động khỏi rủi ro suy yếu”.

Thế khó cho đồng yen

Dù đồng yen đã tăng mạnh sau đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào thứ Tư, tình trạng bán tháo nhanh chóng quay trở lại và chỉ số Nikkei đóng cửa trên mốc 37.000 điểm vào thứ Năm. Hiện tại, giá trị đồng yen yếu hơn so với những lần Fed nới lỏng chính sách trước đây.

fed,  New World Education anh 1

BOJ sẵn sàng tăng lãi suất thêm nếu lạm phát duy trì mức 2% như dự báo. Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng nhận định nền kinh tế nước này hiện không còn như trước. Trong tháng 7, lương cơ bản của lao động toàn thời gian đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mà BOJ cho là phù hợp với mục tiêu lạm phát bền vững 2%. BOJ sẽ xem xét liệu mức tăng lương này có được phản ánh vào giá cả hay không.

“Kịch bản có khả năng nhất là BOJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 1/2025 sau khi xác nhận xu hướng giá. Nhưng nếu lạm phát mạnh và thị trường ổn định, tháng 12 năm nay có thể là thời điểm thích hợp”, Akira Otani, cố vấn kinh tế tại Goldman Sachs Nhật Bản, cho biết.

Trong một cuộc khảo sát vào tháng 9 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, phần lớn nhà kinh tế học dự báo BOJ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, khả năng cao nhất vào tháng 12.

Lạm phát lõi ở Nhật Bản trong tháng 8 là 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng thứ 4 liên tiếp, theo dữ liệu thống kê công bố ngày 20/9. Mức lạm phát này khiến thị trường duy trì kỳ vọng BOJ còn tăng lãi suất.

Ảnh hưởng tích lũy từ các đợt tăng lãi suất trước đây tại Mỹ có thể làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Nếu tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên từ mức hiện tại 4,2-4,3%, thị trường có thể biến động mạnh hơn, ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.

Ngoài áp lực tăng giá đồng yen từ những đợt cắt giảm lãi suất của Fed, chính trị nội địa cũng là yếu tố cần lưu ý. Chính sách của BOJ có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của đảng Dân chủ tự do cầm quyền. Người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 27/9 có khả năng trở thành thủ tướng Nhật Bản.

Ông Takaichi đã tuyên bố rằng Nhật Bản nên duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa vì lạm phát cơ bản vẫn còn thấp.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/nhat-ban-can-nhac-tang-lai-suat-bat-chap-fed-noi-long-a211620.html