Ngân hàng đề xuất được quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ

Báo cáo Thủ tướng, các NHTM tư nhân lớn cho biết đã tích cực giảm lãi suất cho vay, đồng thời đề xuất thêm giải pháp để khơi thông dòng vốn tín dụng.

Ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank báo cáo tại hội nghị chiều 21/9. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại tư nhân lớn diễn ra chiều 21/9, lãnh đạo một loạt ngân hàng như HDBank, Techcombank, VIB, Sacombank... đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm khơi thông thêm dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng chung.

Lãi vay đã giảm 1-2%

Chia sẻ tại hội nghị, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết tăng trưởng tín dụng của nhà băng đến nay đã đạt trên 15% so với đầu năm, quy mô dư nợ vượt 390.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ ở mức thấp, chỉ 1,74% tổng dư nợ.

Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của bão lũ, HDBank dự kiến dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp hơn 1-2% để cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ngân hàng cũng giảm 1% lãi suất của các khoản vay sản xuất kinh doanh hiện hữu cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, nhà băng này cho biết đã đưa ra chính sách giảm 2% lãi suất trong 3 tháng đầu, hoặc miễn lãi suất cho tháng đầu tiên.

Tương tự, với VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT cho biết ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay tại tất cả phân khúc khách hàng. Trong quý II, ngân hàng này đã ban hành gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay mua nhà ở, với lãi suất chỉ 5,9-6,9-7,9%/năm cho các kỳ cố định lãi suất lên tới 24 tháng.

Với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng cũng duy trì mức lãi suất thấp, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 2,9%/năm.

Tại hội nghị, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết đến hết ngày 31/8, tổng nợ gốc mà nhà băng này đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đạt trên 6.200 tỷ đồng; tổng nợ lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 154 tỷ đồng.

khai thong dong von anh 1

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Cùng với đó, lãi suất cho vay tại Techcombank cũng có xu hướng giảm dần kể từ cuối năm 2022. Tính tới tháng 8, lãi suất cho vay bình quân ở mức 7,73%/năm, tiếp tục giảm so với tháng 3 và đã giảm 2,24%/năm so với cuối năm ngoái.

Ông Hùng Anh cho biết thời gian qua, Techcombank cũng đã tham gia chương trình cung ứng tín dụng cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với tổng doanh số giải ngân đăng ký 5.000 tỷ đồng.

Với Sacombank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết đến 31/8, nhà băng này đã cho vay sản xuất kinh doanh đạt 347.000 tỷ đồng. Công tác quản trị chặt chẽ chi phí vốn giúp ngân hàng kéo giảm lãi suất huy động 1,2% so với đầu năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay gần 1,5%.

Lãi suất giải ngân hiện nay tại Sacombank chỉ quanh mức 7,5%/năm (trong đó khách hàng cá nhân là 7,9%/năm và doanh nghiệp là 7%/năm). Cùng với đó, nhà băng này cũng đang triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi chỉ 3-6,5%/năm. Đến nay, doanh số cho vay gói này đã đạt 130.000 tỷ đồng giải ngân cho hơn 33.000 lượt khách hàng.

Đề xuất được thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ đánh giá việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu hiện còn rất khó khăn.

Theo đó, các ngân hàng hiện không thể thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý và quyền thu giữ dù đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của luật pháp.

Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án thường kéo dài trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi, trả chi phí huy động vốn hàng ngày.

Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho các ngân hàng có hàm lượng cho vay bán lẻ tỷ trọng cao, hướng tới kích cầu, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.

khai thong dong von anh 2

Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Do đó, lãnh đạo VIB đề xuất Chính phủ ban hành quy định chấp nhận cho ngân hàng được quyền thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu trong trường hợp hợp đồng bảo đảm được ký kết hợp pháp.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm theo Luật Tổ chức tín dụng năm 2024 bằng việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn, xem xét các biện pháp thay thế biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm.

Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết hơn về việc khởi kiện đối với việc cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm qua các app online.

Ngoài ra, ông Hồ Hùng Anh cho rằng dự thảo Luật Chứng khoán hiện nay có những điều khoản thay đổi quan trọng và sẽ ảnh lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cũng như tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.

"Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, người dân và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn một cách bền vững", Chủ tịch Techcombank kiến nghị.

Về phía HDBank, nhà băng này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có năng lực cung ứng vốn tốt.

Ngoài ra, HDBank đang tích cực tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại yếu kém nên đề xuất cấp có thẩm quyền sớm xem xét phê duyệt đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, tạo điều kiện sớm hoàn thành công tác tái cấu trúc, nâng cao tính ổn định của hệ thống.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/ngan-hang-de-xuat-duoc-quyen-thu-giu-tai-san-dam-bao-de-xu-ly-no-a211643.html