McDonald's từng đặt nhiều tham vọng với thị trường Việt Nam. Ảnh: McDonald's. |
McDonald’s Bến Thành (quận 1, TP.HCM) là một trong những cửa hàng đầu tiên của chuỗi đồ ăn nhanh Mỹ tại Việt Nam, khai trương vào tháng 5/2014 sau cửa hàng ở Đa Kao, quận 1.
Cửa hàng tọa lạc tại vị trí đắc địa gần chợ Bến Thành với hướng nhìn sang không gian xanh của Công viên 23/9, do đó hưởng lợi nhờ cả lưu lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Cũng vì vậy, thông báo đóng cửa hàng thu hút sự chú ý những ngày qua.
Giá thuê ngang ngửa Starbucks Hàn Thuyên?
Gần đây, Starbucks Reserve cũng rời khỏi đường Hàn Thuyên trong sự tiếc nuối vì giá mặt bằng tăng cao, lên đến 30.000 USD/tháng. Nhiều ý kiến cho rằng McDonald's Bến Thành cũng phải đóng cửa với lý do tương tự.
Ông Thái Thành Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Connect Land, công ty chuyên môi giới mặt bằng tại TP.HCM, cho biết giá thuê mặt bằng ở khu vực gần chợ Bến Thành luôn ở mức cao.
Những mặt bằng có chiều ngang 8 m ở khu vực này có giá thuê 10.000-15.000 USD (tương đương 250-370 triệu đồng) mỗi tháng. Trong khi đó, những căn góc với diện tích lớn hơn có giá 25.000-30.000 USD (610-750 triệu đồng).
Theo vị này, giá mặt bằng trong khu vực đã tăng 10-15% do kinh tế đang dần hồi phục so với thời điểm kinh tế chạm đáy giữa năm 2023. Hiện, nhiều thương hiệu cũng đang tìm cách trở lại khu vực tập trung rất đông du khách này.
"Những mặt bằng đang trống ở khu này hầu như là mặt bằng vướng pháp lý hoặc chiều ngang dưới 5 m. Còn lại, những mặt bằng đủ tiêu chuẩn sẽ luôn được khách thuê tranh giành", ông Thái Thành Tài khẳng định.
Mặt bằng đang được Phê La thuê ngay góc ngã tư bên cạnh chợ Bến Thành từng được rao thuê với giá 400 triệu đồng/tháng hồi giữa năm 2023, trước khi chuỗi đồ uống này hiện diện. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Dù vậy, một nguồn tin chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng McDonald's rời đi không phải vì chi phí thuê tăng cao. Lý do thực tế là mặt bằng bị chủ nhà thu hồi vì dính đến các vấn đề pháp lý.
"Có thể thấy cho đến nay vẫn không có thông tin rao thuê mặt bằng này, chứng tỏ McDonald's không gặp phải vấn đề liên quan đến chi phí", người này nhấn mạnh.
Không phải là tín hiệu tiêu cực
Báo cáo của iPOS.vn chỉ ra tính tới hết tháng 6, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng F&B, giảm tới 3,9% so với số liệu năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng câu chuyện của McDonald’s nằm ngoài làn sóng này. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn F&B Director và Học viện Horeca Business School nhìn nhận việc McDonald’s đóng một cửa hàng ở quận 1 không đồng nghĩa với việc tình hình kinh doanh của thương hiệu đang đi xuống.
Ông nhấn mạnh động thái này cần được xem xét trong bối cảnh tổng thể của chiến lược phát triển.
McDonald’s hiện có khoảng 40.000 cửa hàng trên 100 quốc gia, trong đó 95% được sở hữu và vận hành bởi các đối tác nhượng quyền. Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam năm 2014 với kế hoạch mở 100 cửa hàng, đến nay sau 10 năm, hãng mới phát triển được 35 địa điểm. Con số này rõ ràng chưa đạt kỳ vọng ban đầu.
"Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong năm 2022, McDonald’s có 29 cửa hàng, và đến năm 2023 con số này đã tăng lên 33. Điều này cho thấy hãng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư tại Việt Nam", ông Thanh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia đánh giá việc rời bỏ 1 địa điểm kinh doanh mang tính biểu tượng, như cửa hàng ở Bến Thành, không phải là tín hiệu tiêu cực.
Việc rời bỏ một địa điểm kinh doanh mang tính biểu tượng như cửa hàng ở Bến Thành không phải là tín hiệu tiêu cực với McDonald's
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn F&B Director và Học viện Horeca Business School
Giai đoạn thâm nhập thị trường, các thương hiệu như McDonald’s cần những vị trí trung tâm để xây dựng nhận thức thương hiệu và thu hút tệp khách hàng.
Nhưng khi thương hiệu đã đạt được độ phủ nhất định và có lượng khách hàng trung thành, việc chuyển đổi sang những địa điểm có chi phí mặt bằng hợp lý hơn là chiến lược kinh doanh dài hạn thông minh nhằm tối ưu hiệu quả tài chính.
Ông Thanh cho hay việc kinh doanh tại các khu vực đắc địa đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu rõ mục tiêu của mình. Với chi phí mặt bằng cao, kỳ vọng về lợi nhuận nhanh chóng là không thực tế.
Thay vào đó, các thương hiệu cần tập trung vào việc tối ưu các yếu tố khác như trải nghiệm khách hàng, chiến lược marketing và quản lý chi phí vận hành để có thể duy trì hoạt động ổn định trong suốt thời gian thuê.
Mục tiêu chính không phải là đạt được lợi nhuận ngay lập tức, mà là tạo ra sự hiện diện lâu dài và củng cố hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
"Đối với các vị trí có tính biểu tượng như Bến Thành, việc thu hồi vốn trong thời hạn hợp đồng đã có thể được xem là thành công trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và chi phí cao hiện nay", ông Thanh kết luận.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/vi-sao-mcdonalds-dong-cua-hang-ben-thanh-a211659.html