Tại hội nghị tổng kết sau bão Yagi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các tổ chức tín dụng đã rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng vay vốn sau cơn bão số 3 (bão Yagi).
Theo đánh giá của các nhà băng toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000.
Quảng Ninh, tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, có khoảng hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tại hội nghị trực tuyến ngành ngân hàng mới đây, 32 tổ chức tín dụng trên 26 tỉnh thành phía Bắc đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 0,5-2%.
Để tăng nguồn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp cần thiết, bà Hồng đề xuất các bộ ngành trình Thủ tướng bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2024-2025.
Cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng đề nghị UBND các tỉnh thành cùng ngân hàng nắm tình hình, hoàn thiện hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, người dân.
Bão Yagi, mưa lũ và sạt lở tại các tỉnh, thành phía Bắc gây thiệt hại về người, tài sản. Tổn thất mà nó gây ra cho các địa phương lên tới hơn 81.500 tỷ đồng và năm nay GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản trước đó. Trong đó, Quảng Ninh thống kê thiệt hại 25.000 tỷ đồng; Hải Phòng 12.300 tỷ đồng.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một trong những mục tiêu vẫn là khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Ông yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị sau bão.
Trước đó, các bộ ngành được giao triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sớm bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm. Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về tài sản, xe cơ giới, sức khoẻ. Ước tính thiệt hại khoảng 9.000 tỷ đồng, theo Bộ Tài chính.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại được yêu cầu rà soát, tổng hợp thiệt hại, đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động.
Các địa phương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục còn một nửa thông thường khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới. Họ cũng phải chỉ đạo cơ quan thuế, ngân hàng khoanh, giãn nợ, giảm 100% các khoản thuế phải nộp đến hết ngày 31/12/2025 với nhóm khách hàng này.
Phương Dung
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/94000-khach-vay-von-thiet-hai-sau-bao-a212335.html