Các mặt hàng xuất khẩu giá trị và số lượng nhỏ như ghim dập cũng bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Batos. |
Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề Khuyến nghị liên quan đến điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tại hội nghị, bà Trương Thùy Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam đã phải đối mặt với 259 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, các vụ việc chống bán phá giá bị điều tra nhiều nhất với 141 vụ, chiếm 55%.
Thực tế, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại chỉ bắt đầu tăng mạnh từ năm 2011, riêng năm 2020 lập kỷ lục với 39 vụ. Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã và đang phải phải xử lý 14 vụ việc.
Hàng hóa lớn, nhỏ đều vào tầm ngắm
Theo Phó cục trưởng Trương Thùy Linh, công tác điều tra của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam hiện có 5 đặc điểm đáng chú ý. Trước hết, thị trường điều tra đối với hàng hóa của Việt Nam ngày càng mở rộng.
Hiện hầu hết thị trường xuất khẩu truyền thống lớn như Mỹ, EU đều đã khởi xướng điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Song số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng và một số quốc gia chưa từng điều tra hoặc ít điều tra như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra.
Bà Trương Thùy Linh (ngoài cùng bên phải) cho biết những sản phẩm Việt Nam có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ cũng bị điều tra. Ảnh: MOIT. |
Bên cạnh đó, phạm vi sản phẩm của Việt Nam bị điều tra ngày càng đa dạng, không chỉ còn giới hạn ở các mặt hàng xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời... mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình, nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập...
Các cơ quan nước ngoài cũng có xu hướng điều tra khắt khe hơn, yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra như thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...
Ngoài ra, phạm vi điều tra hàng hóa cũng mở rộng, bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Cuối cùng, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường. Một số nước như Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.
Mỹ thường xuyên điều tra hàng hóa Việt Nam
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, tổng số vụ việc phòng vệ thương mại của Mỹ với hàng hóa Việt Nam là 66 vụ, tập trung ở các mặt hàng như thép, gỗ, tôm, cá tra, mật ong... Từ đầu năm, trung bình mỗi tháng cơ quan quản lý Mỹ lại khởi xướng một vụ việc điều tra thương mại đối với Việt Nam.
Đặc biệt, Mỹ là đối tác trong WTO có điều tra trợ cấp nhiều nhất đối với hàng hóa của Việt Nam với 12 vụ việc, chiếm 43% tổng số vụ việc liên quan vấn đề trợ cấp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các cáo buộc thường xoay quanh việc doanh nghiệp Việt được hưởng trợ cấp về thuế, tín dụng, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng đang củng cố các công cụ phòng vệ thương mại thông qua việc ban hành các quy định mới, qua đó khiến vụ việc điều tra trở nên phức tạp, tốn nhiều nhân lực và không có lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, có các quy định liên quan về trợ cấp xuyên biên giới, quy định liên quan đáp ứng quy chuẩn về lao động, quy định đối với tăng trưởng xanh...
Thực tế, Mỹ còn sử dụng công cụ thứ 4, có tên “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”, nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để né thuế.
Trước khó khăn trên, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để xử lý vụ việc, đảm bảo hợp tác đẩy đủ, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan điều tra nhằm đạt kết quả khả quan nhất, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như hoạt động xuất khẩu chung của Việt Nam.
Đánh giá về các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho rằng tình trạng này đang ảnh hưởng đến sự cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp lẫn kết quả xuất khẩu chung.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để phía Việt Nam hiểu nhiều hơn về thương mại quốc tế, từ đó có thêm thông tin, góp phần tăng năng lực, đẩy mạnh quá trình hội nhập.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/dia-giay-ghim-dap-viet-nam-cung-bi-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-a212494.html