Gần 2 tháng sau khi TAND TP Hà Nội tuyên án phạt 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), đã có 25 bị cáo trong số này gửi đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Trong số đó, phần lớn các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo và giảm trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Cụ thể, bị cáo Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) kháng cáo xin giảm nhẹ về mức hình phạt và mức trách nhiệm dân sự áp dụng với bị cáo trong vụ án.
Hai em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả.
Trước đó, tại phiên tuyên án chiều 5/8, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội “thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Quyết là 21 năm tù.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Việt Linh. |
Cùng bị kết án về 2 tội danh này, Trịnh Thị Minh Huế bị Tòa tuyên phạt 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga bị phạt 8 năm tù.
Bị cáo Lê Văn Tuấn (sinh năm 1978, Kiểm toán viên Công ty CPA) kháng cáo toàn bộ bản án, không đồng ý với nội dung và mức án của bản án sơ thẩm.
Hoàng Thị Thu Hà (sinh năm 1980, nhân viên kế toán Công ty FLC Land) kháng cáo về trách nhiệm hình sự và mức hình phạt mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên cho bị cáo.
Trần Thế Anh (sinh năm 1978, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros) kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương.
Đỗ Như Tuấn (sinh năm 1969, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros - Công ty Faros) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo toàn bộ bản án.
Trong số 25 bị cáo kháng cáo, có 9 bị cáo khác cũng xin được giảm nhẹ hình phạt, gồm: Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Phương, Đỗ Quang Lâm, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Thị Hồng Dung, Trầm Tuấn Vũ.
Còn lại 9 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo gồm: Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Thơm, Nguyễn Quỳnh Anh, Bùi Ngọc Tú, Chu Tiến Vượng, Nguyễn Văn Mạnh, Đàm Mai Hương, Lê Công Điền, Quách Thị Xuân Thu.
Ngoài ra, một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường và xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
Trước đó, trong các ngày từ 22/7-5/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các mức án đối với 50 bị cáo trong vụ án này.
Nhóm 8 bị cáo bị tòa kết án về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự) và "thao túng thị trường chứng khoán" (Điều 211, khoản 2, điểm b-Bộ luật Hình sự), Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) 18 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Quyết là 21 năm tù.
7 bị cáo còn lại bị Tòa tuyên phạt các mức án về 2 tội danh trên, gồm: Trịnh Thị Minh Huế (sinh năm 1981, Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết) 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội "thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt chung là 14 năm tù.
Trịnh Thị Thúy Nga (sinh năm 1979, Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS - tiền thân là Công ty Cổ phần chứng khoán FLC; em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết) 6 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù về tội "thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt chung là 8 năm tù.
Hương Trần Kiều Dung (sinh năm 1978, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BOS) 6 năm 6 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù về tội "thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt chung là 8 năm 6 tháng tù.
Trịnh Văn Đại (sinh năm 1966, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros - Công ty Faros) 10 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 năm tù về tội "thao túng thị trường chứng khoán" , tổng hợp hình phạt chung là 11 năm tù.
Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1977, Trưởng nhóm Vật tư cảnh quan, Phòng Mua sắm và cung ứng vật tư, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên FLC Land - Công ty FLC Land) 5 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 năm tù về tội "thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt chung là 6 năm tù.
Trịnh Tuân (sinh năm 1984, cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên FLC Land - Công ty FLC Land) 3 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 18 tháng tù về tội "thao túng thị trường chứng khoán" , tổng hợp hình phạt chung là 4 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Thị Hồng Dung (sinh năm 1972, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) 30 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 18 tháng tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt chung là 4 năm tù.
Nhóm 22 bị cáo bị kết án về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự), gồm:
Hoàng Thị Thu Hà (sinh năm 1980, nhân viên kế toán Công ty FLC Land) 7 năm 6 tháng tù.
Đỗ Như Tuấn (sinh năm 1969, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros); Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1960, cựu Trưởng Ban kiểm soát Công ty Faros) cùng lĩnh 7 năm tù.
Đỗ Quang Lâm (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Kiên Giang; nguyên Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Faros); Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1975, cựu thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC); Nguyễn Ngọc Tỉnh (sinh năm 1964, Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và kế toán Hà Nội - CPA) cùng mức 6 năm tù.
Lê Văn Tuấn (sinh năm 1978, Kiểm toán viên Công ty CPA) 5 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1975, nguyên Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Cổ phần xây dựng và đầu tư Vĩnh Hà - sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros); Nguyễn Thiện Phú (sinh năm 1974, Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros); Nguyễn Bình Phương (sinh năm 1973, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Faros) cùng bị phạt 5 năm tù.
Trần Thị Hạnh (sinh năm 1977, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán TTP - trước là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán ASC) 4 năm tù.
Trần Thế Anh (sinh năm 1978, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros); Lê Tân Sơn (sinh năm 1983, cựu Phó Chánh văn phòng, Thư ký Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC); Đàm Mai Hương (sinh năm 1976, cựu Kế toán trưởng Công ty Faros); Lê Thành Vinh (sinh năm 1979, Luật sư, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn T&P, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Faros) cùng lĩnh 3 năm tù.
Đặng Thị Hồng (sinh năm 1991, nguyên Phó trưởng Ban Pháp chế, Tập đoàn FLC); Trương Văn Tài (sinh năm 1969, Đội trưởng đội xe thuộc Văn phòng Tập đoàn FLC); Phạm Thị Hải Ninh (sinh năm 1985, cựu Phó trưởng Ban Đầu tư, Tập đoàn FLC); Lê Văn Sắc (sinh năm 1949, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên FLC Land); Trịnh Thị Út Xuân (sinh năm 1987, nhân viên Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ số FLC); Phạm Thị Thanh Hương (sinh năm 1984, Kế toán hành chính Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sevin) cùng lĩnh 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Nguyễn Minh Điềm (sinh năm 1991, nhân viên hành chính nhân sự Công ty BOS) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Nhóm 13 bị cáo bị kết án về tội “thao túng thị trường chứng khoán” (theo quy định tại Điều 211, khoản 2, điểm b-Bộ luật Hình sự) gồm:
Nguyễn Quỳnh Anh (sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS - Công ty BOS) và Chu Tiến Vượng (sinh năm 1976, cựu Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Công ty BOS) cùng bị phạt 24 tháng tù.
Nguyễn Thị Thanh Phương (sinh năm 1986, Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán, Công ty BOS); Bùi Ngọc Tú (sinh năm 1993, Phó Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán, Công ty BOS); Nguyễn Thị Thu Thơm (sinh năm 1982, Phó Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán, Công ty BOS) cùng lĩnh 20 tháng tù.
Quách Thị Xuân Thu (sinh năm 1979, Kế toán trưởng Công ty BOS) và Trần Thị Lan (sinh năm 1984, kế toán trưởng Công ty BOS) cùng bị phạt 16 tháng tù.
Trịnh Văn Nam (sinh năm 1991, nhân viên Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt); Trịnh Thị Thanh Huyền (sinh năm 1977, nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển Bất động sản FLC Homes); Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1987, nhân viên Ban Kế toán, Tập đoàn FLC); Đỗ Thị Huyền Trang (sinh năm 1991, Phó Trưởng phòng Kế toán, Tập đoàn FLC); Hoàng Thị Huệ (sinh năm 1992, chuyên viên Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ số FLC); Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1970, lái xe Bệnh viện Đa khoa Hà Thành) cùng lĩnh 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
4 bị cáo thuộc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) gồm: Trần Đắc Sinh (sinh năm 1956, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị) 6 năm 6 tháng tù; Lê Hải Trà (sinh năm 1974, cựu Phó Tổng Giám đốc) 5 năm tù; Trầm Tuấn Vũ (sinh năm 1975, cựu Phó Tổng Giám đốc) 5 năm 6 tháng tù; Lê Thị Tuyết Hằng (sinh năm 1976, Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, nguyên Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3-Bộ luật Hình sự.
3 bị cáo: Lê Công Điền (sinh năm 1971, Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) bị phạt 36 tháng tù; Dương Văn Thanh (sinh năm 1967, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Trung Minh (sinh năm 1978, Nguyên Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán) bị phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” theo quy định tại Điều 209, khoản 2, điểm c-Bộ luật Hình sự.
Sách về Pháp luật
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới,.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/25-bi-cao-khang-cao-xin-giam-nhe-hinh-phat-trong-vu-an-tai-flc-a212611.html