'Cuộc đua' chuỗi nhà thuốc chưa ngã ngũ

Trong khi Long Châu đã tìm ra mô hình kinh doanh hiệu quả để mở rộng hệ thống cửa hàng và dịch vụ, An Khang và Pharmacity lại đang thu hẹp hoạt động để tái cấu trúc chuỗi.

Thị trường chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến cuộc đua "tam mã" giữa Long Châu, Pharmacity và An Khang.

Tuy nhiên, đến nay, trong khi An Khang của Thế Giới Di Động và Pharmacity của SK Group đang phải nỗ lực tái cấu trúc tìm điểm hòa vốn, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail đã bứt phá với gần 2.000 cửa hàng trên toàn quốc.

Pharmacity, An Khang, Trung Sơn Pharma bị bỏ xa

Thị trường dược phẩm Việt Nam bắt đầu được chú ý sau đại dịch Covid-19, khi người dân bắt đầu chú trọng đến sức khoẻ cá nhân. Đây cũng là lúc kênh OTC (thuốc không kê đơn) bùng nổ với xu hướng mở rộng nhanh chóng của một loạt chuỗi nhà thuốc.

Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam dự kiến tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, thị trường này được xem là miếng bánh hấp dẫn với bất kỳ chuỗi nhà thuốc nào.

Thậm chí, trong thương vụ mua lại 51% cổ phần chuỗi Trung Sơn Pharma vào năm ngoái, Dongwha Pharm (Hàn Quốc) cho biết thương vụ này là một bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng chiến lược của doanh nghiệp sang thị trường dược phẩm và làm đẹp Đông Nam Á.

Sự góp mặt của Dongwha Pharm đã giúp Trung Sơn Pharma mở thêm 60 chi nhánh trong 1 năm. Đến nay, chuỗi đã cán mốc hơn 200 cửa hàng, trong đó tập trung chính ở các tỉnh thành miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, cùng với 3 chi nhánh tại TP.HCM.

Tuy nhiên, con số này chưa đáng là bao so với Long Châu, khi chuỗi này đã khai trương hơn 600 cửa hàng mới trong vòng 1 năm qua. Hiện tại, đây cũng là đơn vị dẫn đầu về độ phủ với gần 2.000 nhà thuốc.

Tính đến cuối tháng 6, doanh thu trên mỗi cửa hàng của chuỗi Long Châu đạt 1,6 tỷ đồng/tháng,

Trong khi đối thủ liên tục mở rộng điểm bán, chuỗi nhà thuốc An Khang với sự hậu thuẫn của Thế Giới Di Động lại đang liên tục phải thu hẹp quy mô điểm bán để tái cấu trúc. Báo cáo mới đây cho thấy chuỗi An Khang vừa đóng cửa thêm 61 điểm bán trong tháng 8, về còn 326 nhà thuốc. Nếu so với đầu năm, chuỗi dược phẩm này đã đóng cửa hơn 200 nhà thuốc.

Đáng chú ý, kế hoạch đóng cửa các nhà thuốc của Thế Giới Di Động vẫn chưa dừng lại. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư và cổ đổng mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thegioididong.com cho biết chuỗi nhà thuốc An Khang đang được tái cấu trúc, số lượng nhà thuốc dự kiến giảm xuống còn 300 điểm vào cuối năm nay. Như vậy, sẽ có thêm 26 nhà thuốc phải đóng cửa từ nay đến cuối năm.

Hiện tại, doanh thu bình quân trên mỗi nhà thuốc của An Khang mới vào khoảng 500 triệu đồng/tháng.

QUY MÔ CÁC CHUỖI NHÀ THUỐC LỚN TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Nguồn: BC DN; Tổng hợp.
NhãnLong ChâuPharmacityAn KhangTrung Sơn
2021 Cửa hàng 400800178100
2022
9371041500140
T9/2024
2000909326200

Với Pharmacity, chuỗi chưa cập nhật mức doanh thu bình quân cửa hàng trong tháng gần nhất, nhưng trong lần cập nhật trước đó vào quý I/2022, doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc của chuỗi vào khoảng 600 triệu/tháng.

Pharmacity từng là chuỗi nhà thuốc tiên phong trong cuộc đua mở rộng điểm bán. Đỉnh điểm vào tháng 9/2022, chuỗi này sở hữu hơn 1.100 nhà thuốc, qua đó dẫn đầu thị trường.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, chuỗi đã phải đóng một loạt cửa hành kinh doanh kém hiệu quả. Đến nay, đơn vị này còn 909 nhà thuốc, cao gấp 4,5 lần Trung Sơn, cao gấp 3 lần An Khang nhưng chưa bằng 1 nửa so với Long Châu.

Việc không thể gia tăng số lượng cửa hàng nhanh chóng của Pharmacity và An Khang được giới chuyên gia và chính ban lãnh đạo lý giải bằng hai điểm yếu là giá cả kém cạnh tranh và thiếu nguồn thuốc để bán.

Tìm hướng đi phù hợp

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) mới công bố, các cửa hàng bán lẻ dược phẩm theo chuỗi hiện đại hiện chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số nhà thuốc trên thị trường, còn lại hơn 90% nhà thuốc vẫn là các cửa hàng nhỏ, tư nhân.

Tháng 4 vừa qua, ông Deepanshu Madan - CEO Pharmacity - thừa nhận 18 tháng qua, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo dự trữ được đúng loại và đủ số lượng hàng hóa tại các nhà thuốc. Đồng thời, chiến lược giá của Pharmacity cũng chưa thực sự phù hợp với thị trường.

Ông lý giải một số yếu tố như nguồn cung và chi phí đầu vào khiến giá cả tại Pharmacity có sự chênh lệch so với các nhà thuốc khác và điều này là khó tránh khỏi.

Khác với hai đối thủ, Pharmacity hoạt động theo mô hình nhà thuốc tiện lợi. Bên cạnh thuốc và dược phẩm, các cửa hàng của họ còn kinh doanh mỹ phẩm, bánh kẹo và hàng tiêu dùng khác. Ông Deepanshu Madan cũng chấp nhận sự thật rằng trước đây, rất nhiều khách hàng nghĩ họ là một nhà thuốc tiện lợi nhưng lại thiếu các loại thuốc kê đơn.

Trong khi đó, An Khang và Long Châu, hai đối thủ chính của Pharmacity, lại tập trung chủ yếu vào việc bán thuốc và dược phẩm.

Về phía Long Châu, sau khi về tay FPT Retail vào năm 2016, chuỗi nhà thuốc ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí trở thành nguyên nhân chính khiến lợi nhuận FPT Retail sụt giảm trong năm 2020.

Tuy nhiên, theo SSI Research, nhờ chiến lược tập trung mạnh vào thuốc kê đơn, Long Châu đã bắt đầu có lãi nhẹ vào năm 2021.

Còn với An Khang, ông Đoàn Văn Hiểu Em nhìn nhận bán lẻ dược phẩm là một ngành đặc thù. Trong đó, hai yếu tố mà An Khang cần cải thiện là tính sẵn sàng và chất lượng đội ngũ dược sĩ.

SSI Research cho rằng cơ cấu sản phẩm tại An Khang chưa hợp lý khiến kết quả kinh doanh chững lại. Sau khi xác định vấn đề, hiện chuỗi này đang thực hiện tái cấu trúc và đóng cửa các nhà thuốc kém hiệu quả, tương tự như cách họ từng làm với Bách Hóa Xanh và Điện Máy Xanh. Mục tiêu là mỗi nhà thuốc phải đạt doanh thu tối thiểu 550 triệu đồng/tháng để hòa vốn.

"Chúng tôi chỉ nghĩ đến việc mở rộng khi các cửa hàng đã đạt điểm hòa vốn", ông Hiểu Em nói.

Trung Son Pharma,  Dongwha Pharm,  thegioididong anh 1

Chuỗi nhà thuốc An Khang đang thực hiện tái cấu trúc và đóng cửa các nhà thuốc kém hiệu quả. Ảnh: Liên Phạm.

Trong khi đó, Pharmacity lại đang trong quá trình tìm nguồn cung ứng các sản phẩm cần thiết, tập trung đáp ứng các toa thuốc theo đơn bệnh viện với mục tiêu đầy đủ danh mục và chủng loại. Trước mắt, thuốc của nhóm bệnh tim mạch, huyết áp, mỡ máu, gan và tiểu đường đã mở rộng đáng kể.

Đồng thời, chuỗi cũng sẽ tìm cách điều chỉnh giá bán, thay đổi cách vận hành, hướng đến cung cấp nhiều sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau để có thể tiếp tục phục vụ đa nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, CEO Deepanshu Mada nhấn mạnh Pharmacity không đặt nặng việc cạnh tranh theo mô hình giá rẻ nhất, thay vào đó chuỗi tập trung cung cấp những sản phẩm chính hãng, chất lượng cao với giá thành phù hợp.

Có thể thấy, dù Long Châu đang chiếm ưu thế về số lượng điểm bán, cuộc đua trên thị trường bán lẻ dược phẩm vẫn chưa ngã ngũ. Tại nơi đó, các chuỗi An Khang, Pharmacity, Trung Sơn, VinFa... vẫn đang tìm hướng đi phù hợp. Ngay khi đủ điều kiện, các chuỗi này sẽ sẵn sàng tăng tốc mở rộng quy mô để cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/cuoc-dua-chuoi-nha-thuoc-chua-nga-ngu-a212922.html