Thống đốc NHNN: Doanh nghiệp là bạn đồng hành của ngân hàng

Với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ, mục tiêu của NHNN là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng luôn coi doanh nghiệp là bạn đồng hành. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại cuộc gặp của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặc biệt ấn tượng về những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thống đốc cho biết ngành ngân hàng luôn nhận thức được tầm quan trọng của môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp. Vì thế, suốt những năm qua, NHNN luôn kiên định và vượt qua mọi khó khăn để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ cũng thực hiện và chú trọng cải cách hành chính, hiện thuộc nhóm đứng đầu trong xếp hạng chỉ số Par Index - chỉ số theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính - để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

"Ngành ngân hàng luôn xác định doanh nghiệp là người bạn đồng hành vì doanh nghiệp vừa là người gửi tiền, vừa là người đi vay trong hệ thống ngân hàng. Các giải pháp chính sách của hoạt động ngân hàng đều hướng đến doanh nghiệp và người dân là trung tâm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng", Thống đốc chia sẻ.

Thống đốc NHNN cho biết mỗi khi nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng đều quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, như trong đại dịch Covid-19, đợt mưa lũ vừa qua.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết thêm với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ và các tổ chức tín dụng, nhà điều hành luôn muốn giảm lãi suất thấp, cung ứng đầy đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng sứ mệnh lớn nhất là phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cũng là vì môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, bà mong doanh nghiệp chia sẻ từ góc độ của các tổ chức tín dụng và sứ mệnh của NHNN, đại cuộc của nền kinh tế.

Tại buổi gặp, Thống đốc Nguyễn Thi Hồng cũng đề xuất cần có một đánh giá tổng thể về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp đột phá để phát triển doanh nghiệp "sếu đầu đàn" và các doanh nghiệp vệ tinh.

Hiện Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện cũng đã có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, 5 Nghị định nhưng thực tế thực hiện chưa như kỳ vọng.

Do đó, lãnh đạo NHNN đề xuất cần đánh giá sát thực tế để đưa ra giải pháp. Đặc biệt từ ý kiến của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là cần có nguồn lực tài chính. Ví dụ như bảo lãnh cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề về vốn.

Riêng đối với vấn đề huy động USD lãi suất 0%, Thống đốc cho biết trước đây nền kinh tế có tình trạng đôla hóa cao. Trong giai đoạn 2007-2008, nền kinh tế có thặng dư ngoại tệ lớn nhưng mỗi khu vực đều găm giữ ngoại tệ không bán. NHNN phải bán ngoại tệ, khiến thị trường tỷ giá và ngoại hối biến động, tác động đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài cũng như môi trường kinh doanh.

Do đó, từ năm 2016, NHNN đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để triệt tiêu tâm lý găm giữ ngoại tệ, trong đó có giải pháp huy động USD lãi suất 0%. Chính sách này đã góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, là một điểm sáng để Việt Nam được nâng chỉ số tín nhiệm.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/thong-doc-nhnn-doanh-nghiep-la-ban-dong-hanh-cua-ngan-hang-a212989.html