Đảm bảo có đột phá
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, sáng 8/10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.
Báo cáo việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của các Ủy ban của Quốc hội đối với dự án Luật Nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo đã được rà soát, xác định rõ đối tượng áp dụng và điều chỉnh tại Điều 2 của dự thảo Luật.
Theo đó, áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài).
Trên cơ sở đó, các chính sách trong dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, ngoài các Điều, Khoản được quy định chung, một số nội dung chính sách được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng: Nhà giáo công lập (gồm chế tài theo luật viên chức và các quy định riêng); nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo người nước ngoài (gồm chế tài theo Bộ luật lao động và các quy định riêng).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã rà soát, hoàn thiện các nội dung chính sách. Theo đó, đối với những nội dung chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ đã đưa ra khỏi dự thảo (quy định về áp dụng luật nhà giáo, về tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo, về chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục...).
Một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo) cũng được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp, tiếp thu, rà soát, chỉnh sửa dự thảo 5 Luật Nhà giáo và bổ sung các hồ sơ theo yêu cầu.
Theo đó, bản chỉnh lý đến ngày 1/10/2024 có bố cục gồm 9 Chương, 45 Điều (giảm 26 Điều so với dự thảo 5 bản trình Quốc hội ngày 6/9/2024). Dự thảo Luật sau khi được chỉnh lý đảm bảo không làm thay đổi 05 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95.
Đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 8
Thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình bổ sung về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo tại Báo cáo số 608 của Chính phủ và cho rằng việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo;
Hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với nhà giáo; kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, Chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn hơn; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không quy định các nội dung đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác; đưa các nội dung chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng hoặc các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao ra khỏi dự thảo Luật.
Hồ sơ dự án Luật sau khi chỉnh lý cơ bản đáp ứng điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, xung đột pháp lý; đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng, toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm thi hành Luật đối với từng chính sách.
Tại Phiên họp, đa số các ý kiến tại Phiên họp đều đồng tình cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo đến thời điểm hiện tại đã đáp ứng đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 8 để các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu.
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo khung khổ pháp lý thuận lợi và thống nhất cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo cũng như bảo vệ, tôn vinh nghề giáo.
Hồ sơ dự án luật, đặc biệt là dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, bố cục và nội dung có sự thay đổi khá căn bản.
Do vậy, để thuận lợi cho cả Chính phủ và Cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như tạo sự đồng thuận ngay từ đầu đối với đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện xây dựng Tờ trình mới kèm theo dự thảo Luật và hồ sơ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8; báo cáo cấp có thẩm quyền những chính sách đặc thù khác với các luật khác.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/quy-dinh-ve-chinh-sach-tien-luong-voi-nha-giao-duoc-ra-soat-ky-luong-a213253.html