Thêm cá thể hổ bị chết trong đàn hổ nuôi nhốt trái phép
Chiều 10/10, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh này đang phối hợp xử lý 2 con hổ chết trong trại nuôi nhốt trái phép ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân vừa được báo cáo mới đây.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, 2 con hổ chết thuộc đàn hổ 11 cá thể được nuôi nhốt tại trại nuôi nhốt trái phép ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo, cả 2 con hổ đều đã trưởng thành, một con chết vào tháng 12/2023 và 1 con chết vào ngày 12/9 vừa qua. Mỗi con được xác định có trọng lượng khoảng 400 kg. Nguyên nhân cá thể hổ chết vào tháng 12/2023 do bị viêm phổi; cá thể còn lại chết vào ngày 12/9 do bị nhiễm trùng (các con hổ cắn nhau để lại vết thương gây nhiễm trùng).
Theo ông Trịnh Quang Tuấn, Trưởng phòng Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, ngay sau khi hổ chết, gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (chủ trang trại nuôi hổ trái phép) đã thông báo và chủ động giao nộp về Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân để bảo quản, cấp đông chờ xử lý theo quy định.
Theo ông Tuấn, hổ là động vật thuộc nhóm 1 - loại cấm mua bán dưới mọi hình thức. Để xử lý 2 con hổ chết nêu trên thì cơ quan chức năng đang làm thủ tục trình UBND tỉnh xác lập quyền sở hữu toàn dân, sau đó mới xử lý được.
Đàn hổ được nuôi nhốt tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến có địa chỉ ở xã Xuân Tín, Thọ Xuân. Ban đầu, đàn hổ có tổng 15 cá thể, tuy nhiên, trong quá trình nuôi nhốt đã có 6 cá thể bị chết.
Vướng mắc giải cứu đàn hổ
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, khoảng năm 2006, gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến lên xã Na Mèo, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) đi mua gỗ làm nhà thì vô tình gặp một số người dân bắt được đàn hổ con từ bên Lào về nên mua lại và mang về nhà nuôi, chăm sóc. Sau khi Cơ quan chức năng phát hiện, đã xử phạt ông Chiến 30 triệu đồng và cho phép được tiếp tục chăm sóc. Đến năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 con hổ khác và một lần nữa bị phạt 30 triệu đồng.
Trại hổ ban đầu được đặt tại xóm 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên, khi đàn hổ dần trưởng thành đã gây ô nhiễm, cùng tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân xung quanh mỗi khi hổ gầm rú hoặc đến kỳ động dục. Do đó, gia đình ông Chiến đã thuê 4.000m2 đất ở cánh đồng cồn Tàu Voi, cách vị trí cũ khoảng 2,5km và khu dân cư 1km để nuôi nhốt.
Tại trại nuôi mới, chủ cơ sở bố trí hạng mục như: nhà trú mưa nắng, nơi ăn uống, phòng thú y, phòng sinh sản, hành lang, sân chơi... đồng thời, chuồng nuôi cũng được xây tường bao quanh, bên trên lắp lưới thép B40, cao 4,5m và có 3 lớp cửa kiên cố. Chỉ khi cho hổ ăn hay vệ sinh chuồng trại hoặc có cơ quan chức năng đến kiểm tra, mới dẫn vào.
Theo chia sẻ của người quản lý tại trại nuôi nhốt, công việc hằng ngày của ông chủ yếu vệ sinh chuồng trại, kiểm tra an toàn lưới rào và chia thức ăn cho đàn hổ. Mỗi ngày đàn hổ tiêu thụ khoảng 100kg thức ăn trong mùa lạnh, ngày nóng thì sẽ ít hơn, trong đó thức ăn cho hổ chủ yếu là đầu gà, thi thoảng có thêm thịt bò và lợn loại rẻ tiền… Tổng chi phí duy trì trại nuôi ước tính khoảng trên dưới 65 triệu đồng mỗi tháng tùy thời điểm.
Trước gánh nặng về chi phí nuôi dưỡng, bảo trì cơ sở vật chất của chuồng trại, cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của đàn hổ, từ tháng 10/2018, hộ gia đình ông Chiến đã nhiều lần làm đơn tự nguyện chuyển giao đàn hổ cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc tổ chức phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để do vướng mắc phần kinh phí bồi hoàn mà phía gia đình ông Chiến yêu cầu.
Qua trao đổi với Người Đưa Tin, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân cho biết, đàn hổ đã hết giấy phép nuôi nhốt từ năm 2017 và chưa được cấp phép trở lại do vướng mắc các quy định pháp luật, nhưng cũng không có căn cứ để tịch thu số hổ trên. Định kỳ 3 tháng một lần, lực lượng liên ngành sẽ kiểm tra trại hổ một lần, còn kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thì hằng tuần phải đến nắm số lượng, kiểm tra mức độ an toàn chuồng trại hoặc môi trường sinh thái... Mỗi lần kiểm tra đều được lập biên bản có chữ ký xác nhận của các bên. Gia đình ông Chiến được chăm nuôi, song không được phép di chuyển hoặc thay đổi hiện trạng đàn hổ.
Còn theo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, hiện gia đình ông Chiến rất muốn bàn giao cũng như mong được hỗ trợ phí chăm sóc mỗi con khoảng 200 triệu đồng/con, nhưng các đơn vị bảo tồn muốn miễn toàn bộ số hổ. Do vướng mắc vấn đề này nên đến nay việc giải quyết dứt điểm số cá thể hổ trên vẫn chưa xong.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/dan-ho-nuoi-nhot-trai-phep-tai-thanh-hoa-dang-chet-dan-a213507.html