Trung Quốc tự trồng thanh long, sầu riêng cạnh tranh trái cây Việt

Tính riêng thanh long, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này sang Trung Quốc chỉ đạt 203 triệu USD sau nửa đầu năm nay, giảm 26% so với cùng kỳ.

Diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới. Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 917,25 triệu USD, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5,64 tỷ USD, tăng 34%. Trong đó, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc và các loại trái cây, rau củ chủ lực như chuối, mít, xoài, dưa hấu, chanh, chanh leo, các loại hạt đóng góp lớn vào kết quả này.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, rau quả Việt Nam đang ngày khẳng định được vị thế tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý đánh giá trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường xuất khẩu. Điển hình như thị trường Trung Quốc đang tự phát triển diện tích khá nhanh nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thanh long, sầu riêng.

“Sau 10 năm, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Đối với sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các nơi có khí hậu thuận lợi”, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Theo thống kê, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng kể từ năm 2011. Năm 2021, diện tích trồng thanh long của quốc gia này đã vượt 67.000 ha, tăng hơn 19 lần chỉ sau 10 năm với sản lượng 1,6 triệu tấn/năm.

Sự tăng trưởng ồ ạt của thanh long Trung Quốc khiến số lượng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam giảm đáng kể. Nửa năm nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc chỉ đạt 203 triệu USD (chiếm 68% tổng kim ngạch), giảm 26% so với cùng kỳ.

Hiện nay, thanh long Trung Quốc chủ yếu được phân bố ở Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Vân Nam, Hải Nam và các vùng khác. Quảng Tây và Quảng Đông là 2 vùng trồng chính, chiếm khoảng 70% diện tích.

Trong đó, Nam Ninh (Quảng Tây) là địa phương có sản lượng hàng năm đạt hơn 430.000 tấn, chiếm khoảng 1/5 tổng diện tích trồng thanh long của quốc gia này.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/trung-quoc-tu-trong-thanh-long-sau-rieng-canh-tranh-trai-cay-viet-a213983.html