Ngày 15/10, bãi biển Coogee được nhiều người yêu thích ở phía Đông thành phố Sydney (Australia) đã phải tạm đóng cửa sau khi phát hiện những vật thể có hình cầu màu đen với kích thước bằng quả bóng golf hoặc bóng tennis.
Nhân viên cứu hộ của Hội đồng thành phố Randwick là lực lượng đầu tiên phát hiện hàng trăm vật thể như vậy trên bãi biển Coogee vào chiều 15/10 (theo giờ địa phương).
Trong hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, bờ biển bị "xâm chiếm" bởi những quả cầu nhỏ màu đen trông như than. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có xác định cụ thể về những vật thể này cho đến khi có kết luận chính thức.
Trong khi đó, Hội đồng thành phố Randwick cho biết bãi biển sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo, để phục vụ công tác điều tra khẩn cấp và dọn dẹp.
Trên mạng xã hội Instagram, hội đồng cho biết nhân viên môi trường đã thu thập mẫu và gửi đi thử nghiệm để điều tra nguồn gốc và thành phần của vật liệu.
Mặc dù chưa có kết quả cuối cùng song hội đồng nhận định ban đầu rằng những vật thể bí ẩn này có thể là "những cục hắc ín" được hình thành khi dầu tiếp xúc với mảnh vụn và nước, thường là kết quả của sự cố tràn dầu hoặc rò rỉ dầu.
Người đi biển được khuyên nên tránh xa bãi biển và không chạm vào các quả cầu lạ này. Sự việc đã được báo cáo lên Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Beachwatch NSW.
Hắc ín, hay còn gọi là dầu hắc, là một chất lỏng nhớt màu đen có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ xây dựng đến công nghiệp.
Hắc ín chủ yếu được hình thành từ các nguồn hữu cơ, cụ thể là dầu mỏ. Đây là nguồn gốc phổ biến nhất. Qua hàng triệu năm, các sinh vật biển chết lắng xuống đáy biển, bị chôn vùi và chịu tác động của nhiệt độ và áp suất cao. Quá trình này biến đổi các chất hữu cơ thành dầu mỏ.
Trong quá trình hình thành than đá từ thực vật cổ đại, một phần chất hữu cơ cũng biến đổi thành hắc ín. Hay khi gỗ bị đốt cháy không hoàn toàn, một phần sẽ tạo thành hắc ín.
Trên thế giới có một số hồ chứa lượng lớn hắc ín tự nhiên, hình thành qua hàng triệu năm. Hồ hắc ín lớn nhất thế giới là Hồ Pitch ở Trinidad và Tobago. Hồ này được hình thành do quá trình hút chìm của các mảng kiến tạo, khiến dầu từ sâu trong lòng đất trào lên bề mặt.
Minh Hoa (t/h theo báo Tin Tức, Saostar)
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/bai-bien-noi-tieng-phai-dong-cua-vi-phat-hien-vat-the-la-a214013.html