Đa phần người thành công đều thích đọc sách, nhưng loại sách được ví là “mật ngọt pha độc” này lại rất nguy hại: Nhiều bạn trẻ Việt mê mẩn!

Loại sách gì gây hại tới vậy? Nếu quá sa đà có thể trở thành ‘liều thuốc gây nghiện’ mới.

Sau cuộc khảo sát thị trường sách quốc tế, các nhà nghiên cứu cho rằng, thị trường sách self help – hay còn gọi là sách tự lực, sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2023 – 2028; và chẳng có gì nguy hại khi độc giả mong muốn những điều tốt đẹp và hướng đến lối sống thiện lành. Tuy nhiên, cây viết Thierry Boutte của tờ Libre (Bỉ) cho rằng, việc theo đuổi hạnh phúc mù quáng không phải lúc nào cũng tốt, và giới trẻ cần được cảnh tỉnh trước khi sa đà vào cuộc "tự kỉ ám thị" như liều thuốc gây nghiện mới.

"Thuốc gây nghiện mới" của giới trẻ

Dòng sách self-help bắt đầu bùng nổ từ đầu thập niên 2000 và liên tục ghi nhận doanh thu kỉ lục cũng như tạo nên một kỉ nguyên mới cho ngành xuất bản. Nhưng trong cơn sốt đổ xô viết và đọc sách self-help, ít người nhận ra mặt tối của ngành công nghiệp này. Tuy không phải là tiểu thuyết hay sách du ký, nhưng sách self-help có lực hấp dẫn riêng do mang lại cho độc giả một cảm giác dễ chịu, giúp họ tạm bỏ qua những mối lo âu thường ngày.

Đa phần người thành công đều thích đọc sách, nhưng loại sách được ví là “mật ngọt pha độc” này lại rất nguy hại: Nhiều bạn trẻ Việt mê mẩn!- Ảnh 1.

Rất nhiều cuốn sách có thể trở thành "liều thuốc gây nghiện mới" khiến giới trẻ sa vào vòng luẩn quẩn

Theo một cách nào đó, những tác phẩm này ít nhiều mang tính huyễn hoặc nhằm tạo tự tin, động lực cho bạn đọc tiến tới giải quyết vấn đề. Đọc xong một cuốn sách, người đọc có thể cảm thấy tràn đầy năng lượng và có thể lập tức làm tất cả mọi việc, nhưng cảm giác đó lại không kéo dài lâu.

Trong khi nhiều chuyên gia phát triển cá nhân đều nhấn mạnh vào lợi ích của việc phát triển sự thấu hiểu về bản thân, thì Julia de Funès – nhà triết học Pháp lại chỉ trích phong trào này. Bà cho rằng self-help đang trở thành một kiểu thuốc gây nghiện mới và có ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Julia de Funès đặt ra hàng loạt chất vấn như: làm sao bạn có thể phát triển một cách tốt đẹp hơn khi bị bao bọc bởi tư tưởng rằng mình luôn đúng, luôn tốt; làm sao bạn phát triển với tư cách là một cá nhân khi làm theo các lời khuyên dành cho số đông mọi người? Đồng, thời bà cũng cho rằng, sách self-help chỉ giúp độc giả cảm thấy dễ chịu nhất thời, nhưng không thực sự giúp họ vượt qua vấn đề cá nhân. Với những người thực sự gặp vấn đề, họ nên tìm đến các bác sĩ tâm lý có bằng cấp đàng hoàng để được trợ giúp.

Đa phần người thành công đều thích đọc sách, nhưng loại sách được ví là “mật ngọt pha độc” này lại rất nguy hại: Nhiều bạn trẻ Việt mê mẩn!- Ảnh 2.

Bên cạnh những tác dụng tích cực, sách self-help cũng có những mặt tối mà độc giả cần cẩn trọng khi đọc

Khảo sát thị trường sách self-help hiện nay, sẽ không khó để nhận ra rằng phần lớn tác giả của dòng sách này đều chỉ khiêm tốn tự nhận mình là một "bạn đồng hành" hay "huấn luyện viên" cuộc sống thay vì là một chuyên gia tâm lý có bằng cấp. Bởi vậy, với những người có nỗi đau tinh thần nghiêm trọng, dòng sách này gần như không có ích lợi.

Đa số độc giả của sách self-help là người trẻ tuổi. Họ bị thu hút bởi những cuốn sách nhấn mạnh vào cách làm giàu, thành cách đạt được thành công và hứa hẹn cung cấp một lộ trình để độc giả "tiến lên phía trước". Cảm giác có người dẫn dắt sẽ giúp những thanh niên trẻ đang hoang mang trước ngưỡng cửa cuộc đời cảm thấy được an ủi và có chỗ dựa.

Trong thế giới tuyệt vời của self-help, mọi thứ đều xoay quanh tiên đề này: khi bạn muốn, bạn có thể làm được. Và nếu chúng ta không thể, đó là vì chúng ta không muốn đủ. Thierry Boutte cho rằng tư tưởng này hơi đậm tính "giáo phái" và sẽ thật nguy hiểm khi có những tác giả xấu muốn "thì thầm" vào tai độc giả một thông điệp độc hại, bởi độc giả lúc này đã không còn có khả năng phân biệt đúng – sai.

Hãy đọc có chọn lọc

Vướng phải nhiều phê bình trong thời gian qua, dòng sách self-help hiện nay đã ít nhiều có sự thay đổi về nội dung. Thậm chí có nhiều cuốn sách self-help còn tạo "dư luận trái" bằng cách phê bình ngược lại chính phong trào này, khiến người đọc có cái nhìn bao quát hơn và nhận thức rõ hơn về những cái bẫy có thể sa vào khi đọc sách một cách không có chọn lọc.

Đa phần người thành công đều thích đọc sách, nhưng loại sách được ví là “mật ngọt pha độc” này lại rất nguy hại: Nhiều bạn trẻ Việt mê mẩn!- Ảnh 3.

Đọc có chọn lọc để sách thực sự là người bạn tuyệt vời

Có một thực tế dễ nhận thấy là hiện nay, rất nhiều cuốn sách self-help chứa toàn những lời sáo rỗng hoặc nội dung chỉ dựa trên quan điểm cá nhân; các sự việc, tình huống được đề cập chỉ đúng với một vài đối tượng, môi trường hoặc thời điểm nhất định chứ không hề là "liều thuốc bách bệnh". Nếu tiếp cận những "kiến thức" không có cơ sở đó, hoặc áp dụng chúng một cách máy móc, không có tư duy phản biện, người đọc rất dễ dẫn tới suy nghĩ lệch lạc hoặc "ảo tưởng sức mạnh".

Để tránh khỏi hiệu ứng sáo rỗng khi đọc sách, với bất kì thể loại sách gì, các chuyên gia khuyên bạn hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi như: Đọc để làm gì? Từ đó chọn sách, tác giả, nhà xuất bản uy tín để đọc và chắt lọc thông tin. Điều quan trọng hơn cả là, dù đọc được thứ gì, hãy giữ vững "cái đầu lạnh" và kiên định với mục tiêu của mình, không bị xao động bởi những câu từ "truyền cảm hứng", "truyền lửa" trong sách.

Sách self-help bản thân cái tên đã nói lên tất cả: Đó là sự giúp đỡ từ chính bản thân mỗi người. Cuốn sách chỉ đóng vai trò dẫn dắt, còn người đi trên con đường đó là bạn. Bởi vậy, hãy biến những điều bổ ích trong sách thành của riêng mình, chủ động rèn luyện theo mục tiêu của mình và dần dần, thế giới của bạn sẽ rộng mở, bởi việc học tập, phát triển là câu chuyện cả đời.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/da-phan-nguoi-thanh-cong-deu-thich-doc-sach-nhung-loai-sach-duoc-vi-la-mat-ngot-pha-doc-nay-lai-rat-nguy-hai-nhieu-ban-tre-viet-me-man-a214110.html