Tháng 6 năm 2011, chị Lưu ở Bắc Kinh đến Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc để gửi tiền tiết kiệm. Trong lúc chờ tới lượt mình, chị Lưu được một nam nhân viên ở đó tiếp cận và giới thiệu thêm về các gói bảo hiểm nhân thọ. Người này cho biết lãi suất khi mua bảo hiểm sẽ cao hơn gửi tiền ở ngân hàng. Thông tin này đã thành công thu hút sự chú ý của chị Lưu.
Theo lời nhân viên này, khi mua bảo hiểm, chị Lưu chỉ phải nộp 20.000 NDT/năm (hơn 70 triệu đồng). Sau 5 năm, chị có thể rút cả tiền gốc và tiền lãi. Khi biết chị Lưu có 100.000 NDT, người này khuyên chị nên chi 20.000 NDT để mua bảo hiểm, 80.000 NDT còn lại có thể gửi vào ngân hàng. Như vậy, chị Lưu có thể kiếm tiền ở cả 2 kênh.
Nghe những lời mời gọi hấp dẫn này, chị Lưu đã đồng ý mua gói bảo hiểm nhân thọ mà nhân viên này giới thiệu. Cứ mỗi năm đến kỳ hạn, chị Lưu lại đóng khoản phí 20.000 NDT. Sau 5 năm, người phụ nữ này đã đóng tổng cộng là 100.000 NDT (hơn 353 triệu đồng).
Tháng 6 năm 2016, kỳ hạn 5 năm của gói bảo hiểm mà chị Lưu mua cũng đến. Chị Lưu đến công ty bảo hiểm để rút tiền nhưng lúc này, nhân viên cho biết phải 99 năm nữa, chị Lưu mới có thể lấy toàn bộ cả gốc lẫn lãi. Thông tin này khiến chị Lưu rất hoang mang.
Hoá ra, trong hợp đồng giữa chị Lưu và công ty bảo hiểm ghi rõ hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 8/6/2011, ngày hết hạn của hợp đồng là ngày 7/6/2115. Như vậy, thời hạn gói bảo hiểm mà chị Lưu tham gia kéo dài tới 104 năm thay vì 5 năm như đã được thông báo.
“Thật nực cười. Lúc tham gia bảo hiểm tôi đã 38 tuổi. Làm sao tôi biết được mình có thể sống thêm 104 năm nữa hay không mà lấy số tiền này”, chị Lưu cho biết.
Biết mình đã “sa bẫy” nhân viên tư vấn bảo hiểm, người phụ nữ này giận dữ yêu cầu công ty bảo hiểm phải rút toàn bộ 100.000 NDT cho mình. Tuy nhiên, nhân viên cho biết nếu chị nhất quyết muốn rút tiền thì số tiền hiện tại mà chị có thể nhận được là dưới 100.000 NDT. Nguyên nhân là vì khi chọn rút tiền tức là chị Lưu chọn việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Điều này không chỉ là vi phạm hợp đồng mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của chị khi tham gia gói bảo hiểm này. Do đó, nhân viên này khuyên chị Lưu nên tiếp tục tham gia gói bảo hiểm trên nhưng người phụ nữ này đã thẳng thừng từ chối.
Không chấp nhận phương án mà đối phương đưa ra, chị Lưu quyết định nhờ đài truyền hình vào cuộc để giúp chị đòi lại công bằng. Chia sẻ với phóng viên, chị Lưu cho biết: “Thật nực cười. Lúc tham gia bảo hiểm tôi đã 38 tuổi. Làm sao tôi biết được mình có thể sống thêm 104 năm nữa hay không mà lấy số tiền này.”
Khi phóng viên liên lạc với công ty bảo hiểm để làm rõ thông tin vụ việc trên, đại diện công ty này cũng đã lên tiếng giải thích. Người này cho biết, thực chất gói bảo hiểm mà chị Lưu tham gia là bảo hiểm nhân thọ trọn đời có thời hạn hợp đồng lên tới 100 hoặc trên 100 năm.
Khi tham gia bảo hiểm trọn đời, người được bảo hiểm chắc chắn sẽ được trả tiền bảo hiểm. Vì theo hợp đồng này, căn cứ để doanh nghiệp trả tiền là sự kiện chết của người được bảo hiểm xảy ra bất kỳ lúc nào. Nói cách khác, thời hạn 104 năm trong hợp đồng của chị Lưu là thời hạn "hợp pháp" theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Cũng theo người này, bảo hiểm trọn đời có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn bảo hiểm nhân thọ truyền thống như khả năng sinh lời khá cao; Số tiền bảo hiểm chi trả, bồi thường cho phía khách hàng cao; Thời gian hiệu lực của hợp đồng có thể kéo dài đến hơn 100 tuổi (bảo hiểm trọn đời); Khách hàng có quyền chọn rút toàn bộ, một phần hoặc kết thúc hợp đồng tại bất kỳ thời điểm nào và nhận lại khoản giá trị tích lũy đầu tư tương ứng của hợp đồng…
Sau khi đọc từng điều khoản trong hợp đồng của chị Lưu, đại diện công ty này khẳng định công ty họ không sai. Cái sai đây có thể là do chị Lưu đã không đọc và hiểu kỹ về các quy định trong hợp đồng hoặc nhân viên tư vấn cho chị đã cung cấp sai thông tin khiến chị hiểu sai về hợp đồng nói trên.
Với trường hợp của chị Lưu, một luật sư tại Bắc Kinh cũng đồng tình với phía công ty bảo hiểm. Người này cho biết trong những năm gần đây, các vụ kiện tụng phát sinh từ sản phẩm bảo hiểm trở nên phổ biến, phần lớn là do nhân viên tư vấn không làm tròn nghĩa vụ tư vấn cho khách hàng hoặc lừa dối khách hàng, gây ra tranh chấp.
Vị luật sư này cũng khuyên người dân khi mua các sản phẩm tài chính hay bảo hiểm đều phải đọc kỹ văn bản thỏa thuận được hai bên ký kết và yêu cầu nhân viên ngân hàng nêu rõ đặc điểm, rủi ro,… của sản phẩm trong văn bản thỏa thuận. Có như vậy, chúng ta mới tránh được những tranh chấp không đáng có do hiểu lầm giữa các bên.
(Theo Sohu)