Giáo sư Lý Quốc Bình của trường Đại học Kinh tế Tài chính Miền Trung (Trung Quốc) từng nói: "Nếu muốn làm giàu, chỉ làm việc chăm chỉ thôi là chưa đủ. Bạn phải hiểu logic đằng sau những cơ hội kiếm tiền".
Có người cả đời làm việc vất vả nhưng túi tiền vẫn trống rỗng. Còn những người khác, họ biết cách thu hút tiền và để tiền tự "đuổi theo" họ.
Kiếm tiền được chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Việc một người kiếm được nhiều tiền hay không còn phụ thuộc vào trình độ của anh ta.
01
"Vua thép" Andrew Carnegie từng gặp một chàng trai ăn mặc rách rưới khi đi dạo trên đường phố New York (Mỹ). Chàng trai hỏi Carnegie, làm cách nào để trở nên giàu có như hiện tại.
Carnegie rất ấn tượng với đối phương và nói: "Cậu nên dành một năm để nghiên cứu về kiến trúc một cách nghiêm túc. Đến lúc đó tôi sẽ có thể sắp xếp một vị trí thích hợp cho cậu".
Carnegie cũng cho chàng trai một địa chỉ, để hẹn gặp lại cậu ta. Kết quả là sau 1 năm, chàng trai trẻ không đến gặp Carnegie.
Sau khi hỏi thăm xung quanh, Carnegie được biết rằng chàng trai trẻ không làm như lời ông nói. Thay vào đó, sau khi được một người bạn giới thiệu, anh ta đã đi làm công nhân bình thường ở bến tàu.
Đọc câu chuyện khiến tôi không khỏi xót xa cho chàng trai trẻ này:
Một người có thể mua được thức ăn và quần áo bằng cách bán sức lao động. Nhưng anh ta không bao giờ có thể thay đổi số phận chỉ dựa vào sức mạnh thể chất.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu Mỹ từng đề xuất khái niệm "Người lao động nghèo" (Working poor). Thuật ngữ chỉ người làm việc chăm chỉ nhưng kiếm được rất ít tiền, dẫn đến họ không có khả năng tiết kiệm hoặc trả tiền cho những hàng hóa hoặc dịch vụ đắt đỏ.
Nhiều người ngày ngày quay cuồng để kiếm sống nhưng vô tình họ lại rơi vào một vòng luẩn quẩn bất tận: Càng bận càng nghèo, càng nghèo càng bận.
Suy cho cùng, nếu bạn cứ hàng ngày chăm chỉ làm việc mà không suy nghĩ về con đường tương lai, bạn sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Nói cách khác, nếu cứ giữ tư duy sai lầm này thì chỉ khiến bạn ngày càng nghèo đi.
Những người có thể kiếm được nhiều tiền không chỉ dựa vào sự chăm chỉ mà còn phải thông qua kỹ năng, nguồn lực và kiến thức để dần thay đổi cuộc đời.
02
Hai nhà tư vấn tài chính Richard và Greg là đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng Breaking the Circle: The Power of Weak Connections (Tạm dịch: Phá vỡ vòng tròn: Sức mạnh của những kết nối yếu). Trong chương mở đầu của cuốn sách, cả hai đã đề cập một chủ đề thú vị: Tại sao nhiều người lại nghèo đến vậy?
Họ không trả lời trực tiếp mà kể một thí nghiệm xã hội. Theo đó, vào năm 2000, Đại học Paris tổ chức "Trò chơi khởi nghiệp". 1.000 người tham gia trò chơi được cấp số vốn ban đầu và các kỹ năng kiếm tiền giống nhau.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần, quy luật 80/20 bắt đầu xuất hiện. Theo đó, 20% người kiếm được 80% tổng số tiền, còn 80% người còn lại chấp nhận thua cuộc.
80% người chịu thua đều có điểm chung. Đó là:
Họ ít giao tiếp xã hội, tốn nhiều công sức tìm kiếm thông tin khắp nơi và ngại ngùng khi hỏi bạn bè trong lĩnh vực chuyên môn. Họ bỏ qua tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, cũng như dành quá nhiều thời gian để thử và sai.
Kết quả là, họ một mình chiến đấu đến cùng trong trò chơi dẫn đến thất bại.
Chỉ khi đó Richard và Greg mới tiết lộ câu trả lời về bí quyết đạt được giàu có: Các mối quan hệ là nguồn lực tốt nhất.
Nếu không có kết nối, con đường sẽ bị tắc nghẽn.
Những cơ hội làm giàu mà bạn không thể tìm thấy, bạn bè có thể giúp bạn; những câu hỏi mà bạn không thể giải đáp, những người khác có thể đưa ra câu trả lời.
Những người thông minh sẽ biết cách tận dụng sức mạnh của người khác để thúc đẩy cuộc sống của chính họ.
Nếu bạn có ít bạn bè, cấu trúc vòng kết nối xã hội càng đơn giản thì bạn sẽ càng có ít cơ hội làm giàu hơn.
Trong xã hội ngày nay, mối liên kết giữa con người với nhau ngày càng sâu rộng. Chỉ những người có thể dệt nên mạng lưới quan hệ chất lượng sẽ càng có nhiều thông tin và tiếp cận đa dạng kênh kiếm tiền hơn.
03
Ngày nay, khác biệt về nhận thức của một người sẽ tạo nên khác biệt về sự giàu có và khả năng kiếm tiền.
Đây là thời đại mà "tri thức là vua". Sự cạnh tranh giữa người với người không phải từ nỗ lực tay chân mà thiên về khả năng hiểu biết, đánh giá và nhìn sâu vào vấn đề.
Đôi khi, nguyên nhân khiến chúng ta nghèo không phải vì trong túi không có tiền mà vì trong đầu chúng ta có những ý tưởng kém cỏi và thiếu hiểu biết.
Tiền Anh Nghĩa - trưởng khoa tại trường ĐH Thanh Hoa danh giá từng hỏi Elon Musk: "Làm cách nào mà ông có thể đạt được những thành tựu đáng nể như vậy?".
Musk trả lời: Hãy tiêu tiền cho trí óc của bạn và đọc thật nhiều sách.
Ngoài sách về khoa học viễn tưởng, triết học và tôn giáo, Elon Musk còn nghiên cứu sách về vật lý, kỹ thuật, năng lượng và các lĩnh vực khác. Nhờ đọc sách, ông có sự hiểu biết độc đáo và cái nhìn sâu sắc về kinh doanh, từ đó đã tạo ra những công ty trị giá hàng tỷ đô la hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Con đường dẫn tới sự giàu có phụ thuộc vào kiến thức.
Hãy làm việc chăm chỉ để đầu tư vào bộ não của chính bạn. Khi bạn nhìn sâu hơn và xa hơn những người khác, bạn sẽ tự nhiên tiến gần hơn đến với giàu có.
Con đường kiếm tiền được chia làm 2 cấp:
Ở cấp một, bạn làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, bỏ sức lực để đổi lấy của cải.
Ở cấp 2, bạn tự thu hút giàu có, cũng như sử dụng một số phương pháp trí tuệ để mang sự giàu có đến gần bạn hơn.
Tôi từng tin rằng nếu ai đó làm việc chăm chỉ, anh ta chắc chắn sẽ kiếm được tiền. Nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng đây chỉ là cách kiếm tiền ở cấp độ thấp nhất.
Những người cấp cao sẽ dành thời gian và sức lực để trau dồi kỹ năng và nâng cao nhận thức. Đến một thời điểm nhất định, tiền sẽ tự nhiên chảy vào túi họ.
Theo Toutiao