Được tổ chức tại thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay dự kiến sẽ thu hút đại diện từ 32 quốc gia, bao gồm 24 lãnh đạo nhà nước, theo Điện Kremlin.
BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gần đây đã mở rộng để bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tính đến năm 2023, khối này chiếm 27% GDP thế giới và 45% dân số. Cùng nhau, họ tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 1/4 thương mại thế giới.
Với sự tham gia của Ả Rập Xê-út, UAE và Iran, BRICS bao gồm 3 trong số những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và chiếm 42% nguồn cung dầu toàn cầu, theo ngân hàng đầu tư ING có trụ sở tại Hà Lan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tiết lộ rằng 34 quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
Với việc nhiều quốc gia, từ Cuba và Syria đến Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, tầm quan trọng của nhóm này sẽ tăng lên trong những năm tới. Câu hỏi đặt ra là tại sao tư cách thành viên BRICS lại hấp dẫn nhiều quốc gia?
Sức hấp dẫn của BRICS
Ông Vương Hữu Minh (Wang Youming), Giám đốc Cơ quan nghiên cứu các quốc gia đang phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS), cho biết quy mô và sức hấp dẫn của BRICS thực sự nâng cao ảnh hưởng quốc tế của khối, biến BRICS thành một lực lượng quan trọng để thay đổi sâu sắc cấu trúc quyền lực quốc tế.
Lưu ý rằng việc thành lập và mở rộng BRICS cho thấy các nước đang phát triển không muốn tiếp tục bị gạt ra ngoài lề trong các vấn đề quốc tế, ông Vương cho biết với nhiều quốc gia nộp đơn xin gia nhập khối, họ sẽ cùng nhau nỗ lực tìm kiếm một trật tự quốc tế đa cực hơn.
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng khuôn khổ hợp tác mới đại diện cho thế mạnh và lợi ích của các nước thị trường mới nổi, BRICS đã phát triển một số cơ chế trong suốt 18 năm qua kể từ khi thành lập.
Từ các Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo và các cuộc họp cấp Bộ trưởng đến hợp tác trong hàng chục lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, thương mại và công nghệ, BRICS được coi rộng rãi là một lực lượng xây dựng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, cải thiện quản trị toàn cầu và thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế.
Dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), hay còn gọi là Ngân hàng BRICS – được thành lập vào năm 2015, cho thấy tính đến tháng 7 năm ngoái, khối này đã phê duyệt ít nhất 98 dự án tại các nước thành viên BRICS, với tổng vốn đầu tư khoảng 33,2 tỷ USD. Các dự án đó bao gồm các lĩnh vực như năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Ông Vương cũng lưu ý rằng trong vài năm qua, các nước BRICS đã đấu tranh cho vị trí xứng đáng của các nước đang phát triển trong các lĩnh vực như các vấn đề điểm nóng địa chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh và cải cách hạn ngạch của IMF.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng chính những nỗ lực đó đã giúp xua tan mối nghi ngờ của các nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước ở Nam Bán cầu, rằng các cường quốc mới nổi sẽ chỉ tìm kiếm lợi ích riêng của họ trong cuộc cạnh tranh với khối phương Tây và lợi ích của các nước nhỏ hơn sẽ bị bỏ qua. Ông cũng nói thêm rằng những nỗ lực đó đã thu hút nhiều nước đang phát triển hơn vào BRICS.
Chương trình nghị sự "phi USD hóa"
Bên cạnh vấn đề mở rộng khối, "phi USD hóa" (de-dollarization ) trong thương mại và các hệ thống thanh toán thay thế sẽ trở lại đậm đặc trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 ở Kazan, Nga.
Với việc Nga phải đối mặt với vô số các lệnh trừng phạt từ phương Tây, các quốc gia BRICS đang thúc đẩy việc giảm sự phụ thuộc vào USD trong thương mại. Tổng thống Putin lưu ý rằng, đến năm 2023, việc sử dụng USD và Euro trong xuất khẩu của Nga đã giảm một nửa, trong khi tỉ trọng đồng Rúp Nga trong xuất khẩu và nhập khẩu tăng vọt lên 40%.
Hiện nay, Nga đang tiến hành giao dịch với Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á và châu Phi bằng các loại tiền tệ địa phương. Dự án BRICS Bridge, hiện đang được phát triển, nhằm mục đích thiết lập một nền tảng thanh toán kỹ thuật số đa phương để giảm thêm sự phụ thuộc vào USD. Hệ thống này dự kiến sẽ kết hợp công nghệ blockchain và phù hợp với các loại tiền kỹ thuật số của các Ngân hàng Trung ương.
Ngoài ra, hệ thống thanh toán mới BRICS Pay đã thu hút sự chú ý, nhấn mạnh đến việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa các nước BRICS.
BRICS Pay – đã được phát triển trong vài năm qua, bắt đầu từ năm 2019 – là hệ thống nhắn tin thanh toán phi tập trung, độc lập đang được các quốc gia thành viên BRICS phát triển, tương đương với SWIFT của Mỹ và châu Âu.
Theo trang web chính thức của BRICS Pay, hệ thống này được mô tả là "nền tảng tiềm năng cho các khoản thanh toán dành cho các quốc gia có chủ quyền và thịnh vượng", giúp giảm sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD, thúc đẩy đa dạng hóa tài chính và tăng cường quyền tự chủ kinh tế giữa các thành viên BRICS và hơn thế nữa.
Minh Đức (Theo CGTN, Anadolu)
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/tai-sao-suc-hap-dan-cua-brics-chi-ngay-cang-tang-chu-khong-giam-a214230.html