Từ giờ tới cuối năm không đi ăn ngoài để dành tiền tiêu Tết

Dù còn 3 tháng nữa mới đến cuối năm song nhiều bạn trẻ đã bắt đầu “thắt lưng buộc bụng" cho các khoản chi tiêu tốn kém từ bây giờ.

Cuối năm là thời điểm nhộn nhịp bởi gần như dân văn phòng nào cũng “chạy đua" để hoàn thành hết tất cả công việc. Cùng với đó, các dịp lễ, Tết diễn ra liên tục khiến nhiều người phải chi mạnh tay hơn ngày thường. Cũng vì thế, dù còn 3 tháng nữa mới đến cuối năm song nhiều bạn trẻ đã bắt đầu “thắt lưng buộc bụng" cho các khoản chi tiêu tốn kém từ bây giờ.

Sẵn sàng chi nhiều tiền cho cuối năm

Từ thời điểm cuối năm 2024 cho đến Tết Nguyên đán năm sau, chỉ cần liệt kê sơ qua cũng thấy nhiều dân văn phòng kín lịch tụ tập, ăn uống. Đi kèm với lịch triền miên là số tiền bỏ ra cho các hoạt động này là con số không nhỏ.

Thục Hạnh (26 tuổi) kể: “Dịp cuối năm mình thường tiêu nhiều hơn bình thường. Đầu tiên là tham gia các bữa tiệc của công ty, có yêu cầu về trang phục nên mình thường tốn khoảng 500 ngàn. Ngoài ra, mình còn chi nhiều cho ăn uống, đi liên hoan với công ty và hội bạn. Tiếp đến là lời mời tham dự đám cưới, trong đó 2 đám cưới của đồng nghiệp và 1 đám cưới của em trong nhà nên cần chi nhiều tiền. Sau cùng là khoản tiền chắc sẽ tốn cả một tháng lương là dành cho chi tiêu ngày Tết Nguyên đán".

Một trong những khoản chi tiêu tốn kém nhất trong dịp cuối năm là tham dự các buổi liên hoan ăn uống. Thục Hạnh chia sẻ, dẫu biết sẽ ngốn nhiều tháng lương nhưng dân văn phòng khó từ chối các bữa tiệc đặc biệt này.

“Thực lòng mình nghĩ các dịp này không nên nói lời từ chối, vì có thể đánh mất tình cảm và dịp làm thân với mọi người. Mình coi như cả năm tiết kiệm để dành những ngày cuối năm chi tiêu thoải mái một chút mà không cần suy nghĩ gì cả. Cả năm chỉ có một lần mà", cô nàng nói thêm.

Từ giờ tới cuối năm không đi ăn ngoài để dành tiền tiêu Tết- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Biết là tốn kém nhưng cũng đành chịu thôi" là quan điểm của Nguyễn Trang (27 tuổi) khi nói về những ngày chi tiêu cuối năm. Cô nàng chia sẻ vào mỗi dịp cuối năm, cô lại tính toán đau đầu cho các cuộc vui, giải trí với bạn bè. Nguyễn Trang thường dự tính trước một khoản cho chi tiêu trong dịp cuối năm, nhưng đâu đó vẫn sẽ có một chút phát sinh ngoài dự kiến.

Cô nàng bày tỏ: “Giống như mọi người, cuối năm mình sẽ có rất nhiều buổi tiệc tất niên từ công ty, đồng nghiệp đến bạn bè, gia đình. Song với đó là chuẩn bị cho chi tiêu những ngày Tết âm và Tết dương, có thể mất khoảng 1-2 tháng lương. Mình đã lường trước cuối năm đã phải chi tiêu nhiều cho những buổi tụ tập rồi, nên hiện mình đang cố gắng tiết kiệm hơn. Nhờ đó, cuối năm mình có tiêu nhiều tiền thì cũng không lo áy náy".

Sống tiết kiệm từ giờ để dành tiền tiêu cuối năm

Mỗi người sẽ có những cách thức riêng của mình để có một khoản tiền dành để chi tiêu cho dịp cuối năm. Như Thục Hạnh, cô nàng chọn để dành một khoản tiền cho chi tiêu Tết từ đầu năm. Đồng thời, cô sẽ cố gắng sắp xếp tài chính, phân bổ tiền hợp lý để tránh bị “vung tay quá trán" trong thời gian sắp tới.

Thục Hạnh cho hay: “Từ đây đến cuối năm, mình sẽ không đi ăn ngoài và không đi chơi. Một buổi đi chơi 1-2 triệu đồng, đi ăn ngoài 300 ngàn đồng thực sự đều là khoản chi xa hoa và lãng phí. Số tiền dành cho mỹ phẩm và quần áo cũng phải hạn chế lại.

Mình phân chia chi tiêu hàng tháng thành 4 cột, bao gồm: Chi tiêu cần thiết (phục vụ nhu cầu để sống là: ăn uống, ở, đi lại), Chi tiêu giải trí (Phục vụ cho các nhu cầu không thực sự cần thiết) - Tiết kiệm và Khoản chi phí phát sinh. Do chi tiêu giải trí trong những ngày cuối năm tăng cao, nên mình cần hạn chế chi tiêu cho những hạng mục còn lại, từ đó tính toán số tiền cần tiết kiệm để không ảnh hưởng đến ngân sách".

Từ giờ tới cuối năm không đi ăn ngoài để dành tiền tiêu Tết- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Còn về phía Nguyễn Trang, cô cho hay bản thân đã có một bảng dự trù khoản chi tiêu cuối năm. Nhờ biết số tiền cần chi tiêu sẽ tốn khoảng 2-3 tháng lương, nên cô bạn đã có kế hoạch dành 10% tiền lương hàng tháng cho khoản chi tiêu này.

Ngoài ra, Nguyễn Trang cho rằng tài chính của mỗi người đều có giới hạn. Do đó, nhiều khi dù bạn đã giảm tối đa các khoản chi nhưng vẫn không thực sự dư dả thì nên cân nhắc về số tiền cần chi cho những bữa tiệc, hoặc thậm chí có nên từ chối tham gia các buổi tiệc đó hay không, để tránh tình trạng “quá tải" ngân sách chi tiêu.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/tu-gio-toi-cuoi-nam-khong-di-an-ngoai-de-danh-tien-tieu-tet-a214527.html