"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch

Can Lộc là huyện nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh, tuy nhiên, người dân ở xã Kim Song Trường những năm qua vẫn "khát" nguồn nước sạch.

Bẩn cũng phải dùng

Hai năm nay, gia đình bà Trần Thị Bình (SN 1960) ở thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh gồm 4 người vẫn phải sử dụng nguồn nước máy mua từ HTX môi trường nước sạch Kim Lộc. Nói là nước sạch nhưng thực tế là nước có bùn đất, nước thô chỉ sử dụng để vệ sinh, tắm giặt, còn không thể ăn uống.

Chỉ tay vào bể chứa nước mưa, bà Bình cho hay, gia đình bà và nhiều hộ dân trong thôn đều phải đổ bể chứa lớn bằng xi măng để cất trữ dùng ăn uống. Có những thời điểm hạn hán, bà vẫn phải chấp nhận dùng nước bùn, lọc qua để nấu ăn.

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 1.

Nước sạch nhưng váng đục kèm cặn đất nên gia đình anh Đăng phải lắp thêm lõi lọc để dùng.

Vừa xả nước ra từ lõi lọc, anh Trần Huy Đăng (SN 1989, trú cùng thôn) cũng cho hay, từ tháng 2 đến nay, nước sạch của gia đình anh không thể dùng để ăn uống. Nước có mùi rất tanh, xả ra kèm theo cặn đất, màu vàng đục. Cũng như nhiều hộ dân ở đây, anh đã mua thêm lõi lọc ngoài nhưng cũng không khá hơn là bao.

"Nước sạch nhưng lại rất bẩn, tanh, màu vàng đục. Tôi đã dùng lõi lọc thêm một lần nữa nhưng cũng không được. Mở lõi ra thì bao nhiêu bùn đất, nhìn rất khiếp", anh Đăng nói.

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 2.

Nước sạch từ vòi chính dẫn vào nhà các hộ dân khi xả ra màu vàng đục kèm bùn đất.

Có điều kiện kinh tế hơn người dân trong thôn, ông Phan Quốc Tuấn (SN 1961) mua hẳn 2 lõi lọc trị giá gần 10 triệu đồng để lắp trực tiếp từ nguồn ống dẫn nước sạch đầu vào. Sau khi lọc mới cho chảy vào bể chứa. Thậm chí, ông còn mua thêm thuốc xử lý trực tiếp vào bể chứa nhưng nguồn nước vẫn không khá hơn.

Nước bẩn nên hàng trăm hộ dân ở thôn Kim Lộc không thể dùng để ăn uống mà chỉ dùng để xả vệ sinh, tắm, giặt.

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 3.

Mặc dù đã đầu tư 3 lõi lọc tiêu chuẩn và mua hoá chất xử lý trực tiếp nhưng gia đình ông Tuấn vẫn không thể lọc sạch nước để sử dụng.

"Áo trắng mà giặt nước này một thời gian là chuyển thành màu vàng. Vì không có nước dùng nên buộc chúng tôi vẫn phải sử dụng để tắm, giặt. Bí nhất là vào mùa nắng hạn, nước mưa trữ ăn không còn thì chúng tôi vẫn buộc phải dùng nguồn nước máy này để nấu ăn", ông Tuấn nói.

Thôn Thượng Xá, xã Kim Song Trường cũng chung tình trạng. Ông Thái Duy Luận, Trưởng thôn Thượng Xá cho hay, từ bao đời nay, người dân xã này sử dụng nước từ 6 giếng đào tập thể. Sau khi có nhà máy nước sạch, bà con sử dụng nước máy nhưng nay nước sạch bẩn nên nhiều hộ quay lại sử dụng nước giếng khơi và nước mưa.

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 4.

Lõi lọc đóng váng cặn bùn đất...

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 5.

Nước sạch kèm đất cát là nguồn nước mà các hộ dân tại xã Kim Song Trường vẫn đang phải sử dụng hằng ngày.

"Thôn có 230/235 hộ dùng nước của nhà máy nước Kim Lộc nhưng nước không đảm bảo nên dân phải trữ nước mưa để ăn uống. Chúng tôi kiến nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng nhà máy nước sạch để cấp nước đảm bảo cho bà con", ông Luận nói.

Nước sạch là nước thô

Liên quan chất lượng nước, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đàm Văn Tố, Giám đốc HTX môi trường nước sạch Kim Lộc (đóng tại thôn Thượng Xá, xã Kim Song Trường), cho biết, nguồn nước thô của dự án được lấy ở Kênh 19/5 từ hồ Ngàn Trươi về. Nguyên nhân nước bẩn vì công nghệ cũ, không đủ công suất xử lý và bản chất chỉ là HTX bán nước thô chứ không phải là nước sạch.

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 6.

Trải qua 17 năm, nhà máy nước Kim Lộc đã xuống cấp trầm trọng.

Theo ông Tố, Nhà máy nước Kim Lộc đã được đầu tư, xây dựng 17 năm, đến nay vẫn chưa được phục hồi, thay thế. Thiết kế của nhà máy có công suất cấp nước cho 500 hộ nhưng hiện tại đã lên đến 800 hộ, vượt công suất thiết kế 300 hộ. Hiện, công suất nhà máy xử lý 420m3/ngày, 12.000m3/tháng cho 235 hộ của toàn xã Kim Song Trường với giá bán 6.000 đồng/m3 .

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 7.

Hệ thống xử lý hư hỏng, tét gỉ...

Cũng theo ông Tố, đặc điểm nguồn nước giếng tại xã Kim Song Trường nhiễm sắt nên không thể dùng được, bởi vậy mặc dù nước do nhà máy cấp không đảm bảo nhưng người dân vẫn phải sử dụng.

"Năm 2014, lúc đó tôi đang phụ trách HTX điện, sau đó tiếp nhận vận hành nhà máy nước. Thời gian đầu, nhà máy hoạt động hiệu quả, có lãi nhưng sau rất kém. Hiện, hệ thống xử lý lọc của nhà máy rất kém. Nguồn nước thô đầu vào cũng không sạch nên nước cấp bán cho dân chỉ là nước thô chứ không phải nước sạch. Do nhu cầu dân phải sử dụng nên chúng tôi vẫn phải bán", ông Tố nói.

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 8.

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 9.

Nước đầu vào tại bể chứa để xử lý rất bẩn, nổi bọt váng.

Theo quan sát, tại nhà máy nước sạch Kim Lộc, hệ thống nhà vận hành, bể chứa, hệ thống lọc kỹ thuật đều đã xuống cấp trầm trọng, tét gỉ, phủ rêu rong. Nước thô từ Kênh 19/5 được dẫn vào 2 hồ chứa lớn. Ở hồ chứa nước đầu vào có tình trạng cá chết. Nước từ hồ chứa này được bơm dẫn vào 3 bể lọc tiếp tục đi vào hệ thống xử lý hóa chất, lọc, rồi cấp bán cho dân. Dù đã được xử lý lọc đến 3 lần nhưng nước thành phẩm vẫn rất cặn và có màu đỏ vàng.

"Khát" nước sạch ở huyện nông thôn mới - Kỳ 1: Nước sạch nhưng không… sạch- Ảnh 10.

Hồ chứa nước thô của Nhà máy nước Kim Lộc ô nhiễm, có cả cá chết.

Vì nguồn nước đầu vào không đảm bảo nên nhà máy phải sử dụng lượng clo và phèn vượt rất nhiều theo định lượng tiêu chuẩn. Giám đốc HTX môi trường nước sạch Kim Lộc thẳng thắn cho hay, với chất lượng nước như hiện nay thì người dân sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Còn nếu kiểm nghiệm mẫu nước đạt tiêu chí nông thôn mới sẽ không đạt vì lượng clo và phèn châm xử lý quá nhiều. Bản thân ông là người cấp nước không đảm bảo cho dân, lương tâm ông cũng rất không muốn, nhưng vì nhu cầu dân phải có để dùng nên nhà máy vẫn phải bơm cấp bán.

Bài 2: Dùng nước sông ô nhiễm để sinh hoạt

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/khat-nuoc-sach-o-huyen-nong-thon-moi-ky-1-nuoc-sach-nhung-khong-sach-a214957.html