Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương (FTU) thực hiện tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Dù là năm đầu tiên tuyển sinh, nhưng điểm chuẩn ngành này của "Harvard Việt Nam" đã lên đến 27,2 điểm, tức phải đạt hơn 9 điểm/môn mới có thể trúng tuyển.
Được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, trong gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực, lĩnh vực công nghệ, máy tính và công nghệ thông tin nằm trong nhóm ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhất. Các năm trước, đây cũng là những nhóm ngành dẫn đầu về tỷ lệ thí sinh.
Không chỉ ở FTU, mà ngành Khoa học máy tính ở các trường khác cũng có điểm chuẩn "đỉnh nóc, kịch trần". Chẳng hạn như tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành này có điểm chuẩn cao nhất với 28,53 điểm. Điểm chuẩn ngành này tại trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là 27,58 điểm, còn tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 35,55 điểm (thang điểm 40). Điều đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của các ngành liên quan đến công nghệ nói chung và khoa học máy tính nói riêng.
Khoa học máy tính là gì?
Khoa học máy tính (Computer Science) là ngành liên quan đến mọi khía cạnh của máy tính và các hệ thống tính toán liên quan. Ngành học cũng đào sâu về quy trình hoạt động và giải pháp nâng cao hiệu suất của máy tính.
Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được học về Ngôn ngữ lập trình, Cấu trúc dữ liệu, Thiết kế thuật toán, Lập trình máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Trí tuệ nhân tạo…
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính có thể làm được rất nhiều công việc như: Lập trình viên, chuyên viên IT, quản trị dự án hệ thống mạng thông tin, cán bộ kỹ thuật…
Trước sự phát triển của thời đại công nghệ, Khoa học máy tính trở thành xu hướng học, có nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất lớn. Theo Coursera, trong giai đoạn năm 2021-2031, nhu cầu nhân sự liên quan đến máy tính và công nghệ thông tin sẽ tăng khoảng 21%.
Trang vinuni.edu.vn có cung cấp một số thông tin về lương ngành Khoa học máy tính ở Việt Nam như sau:
- Nghiên cứu máy tính và thông tin: Vị trí này đảm nhận các công việc như thiết kế công nghệ mới và phát triển thử nghiệm công nghệ. Mức lương dành cho người ở vị trí này tại một số doanh nghiệp công ty có thể lên đến 122,840 USD mỗi năm (hơn 3,1 tỷ đồng).
- Kỹ sư phần mềm (Software Engineer): Đây là vị trí phổ biến nhất sau khi một sinh viên tốt nghiệp ra trường ngành Khoa học máy tính. Công việc chủ yếu của vị trí này là viết mã code và xây dựng phần mềm. Mức lương ngành này có thể lên đến 114,125 USD mỗi năm (gần 2,9 tỷ đồng).
- Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist): Đây là vị trí việc thiết kế mô hình dữ liệu nhằm tạo ra các thuật toán và dự đoán khác nhau. Các chuyên gia dữ liệu hiện nay không nhiều nên mức lương của vị trí này có thể lên đến 113,309 USD mỗi năm (hơn 2,8 tỷ đồng).
- Chuyên viên phân tích và bảo mật thông tin: Mức lương cho nhiệm vụ này khoảng 99,730 mỗi năm (hơn 2,5 tỷ đồng). Các chuyên gia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống mạng máy tính khỏi sự tấn công hoặc nhiễm virus gây rò rỉ thông tin.
Những tố chất phù hợp để học ngành Khoa học máy tính?
Những tố chất phù hợp để học ngành Khoa học máy tính bao gồm:
1. Tư duy logic tốt: Giúp bạn hiểu và giải quyết các vấn đề phức tạp.
2. Kỹ năng phân tích: Quan trọng trong việc phân tích và xử lý dữ liệu.
3. Sự chăm chỉ và kiên nhẫn: Cần thiết khi làm việc với những dự án lớn và phức tạp.
4. Kỹ năng giải quyết vấn đề: Để tìm ra giải pháp hiệu quả cho các thách thức kỹ thuật.
5. Sự sáng tạo: Giúp phát triển các giải pháp độc đáo và mới lạ.
6. Hứng thú với công nghệ và học hỏi: Để cập nhật với những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực.
7. Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: Quan trọng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Học Khoa học máy tính ở đâu?
Dưới đây là danh sách những trường đào tạo ngành Khoa học máy tính thuộc hàng top ở Việt Nam:
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Công nghệ (ĐH quốc gia Hà Nội)
- Đại học Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM)
- Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Đại học Công nghệ TP.HCM
- Đại học VinUni
Tổng hợp