Khi những tia nắng đầu tiên của cao nguyên đại ngàn “đánh thức” những hàng cà phê sai trĩu quả, cũng là lúc ông Mai Văn Quyền (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bước chân thoăn thoắt đi vào vườn.
Giữa những hàng cà phê xanh tốt, người đàn ông cần mẫn kiểm tra từng gốc cây, chùm quả, sau đó là tưới, bón. Đây vốn là công việc vào mùa rất đỗi quen thuộc của những người trồng cà phê tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, với ông Quyền nói riêng, mùa cà phê năm nay lại có nhiều thứ rất khác.
Năm nay, không chỉ vui mừng khi thấy những cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao, ông Quyền còn thở phào nhẹ nhõm khi buông được áp lực đè nặng trên đôi vai khi phải gồng mình “bù lỗ” nhiều năm liên tiếp do vườn cà phê cho năng suất kém vì chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Cũng như ông Quyền, vụ mùa năm nay cũng là một “món quà” với gia đình anh Hoàng Văn Thắng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).
“Mấy năm trước, bình quân một gốc cây cà phê lâu năm như thế này là mình thu hoạch được tầm cỡ 18 - 20 ký tươi, năm nay ước tính phải được 22 - 23 ký”, người đàn ông vui vẻ chia sẻ.
Không chỉ hộ gia đình nhà ông Quyền và anh Thắng, gần 100 hộ gia đình trồng cà phê khác tại 5 tỉnh Tây Nguyên cũng có chung niềm vui tương tự. Điểm chung của họ là cùng tham gia chương trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu".
Dự án này được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai từ năm 2023 trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm trồng thuần cà phê và trồng cà phê xen với sầu riêng, hồ tiêu.
Theo VnEconomy, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam 9 tháng năm 2024 đạt 4,37 tỷ USD, vượt cả năm 2023 (4,24 tỷ USD). Với đà tăng này, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2024 chắc chắn vượt 5 tỷ USD, thậm chí đạt 6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. |
Theo VietnamPlus, “dự báo, đến năm 2050, có tới 50% diện tích đất thích hợp để trồng cà phê trên toàn cầu có thể bị mất do biến đổi khí hậu”.
Sự suy giảm này chủ yếu là do biến đổi khí hậu ở các nước trồng cà phê lớn như Brazil, Việt Nam, Indonesia và Colombia. Một báo cáo khác của Viện Khí hậu (Mỹ) cũng dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu có thể giảm 50% vào năm 2050 do ảnh hưởng bởi thời tiết.
Đứng trước những ảnh hưởng nghiêm trọng này, người dân cần bước ra khỏi lối mòn canh tác cũ với nhiều hệ lụy cho môi trường, chuẩn bị kiến thức cùng cách làm mới, bền vững, để có thể thích ứng được với những thay đổi của khí hậu.
Tây Nguyên, vùng đất nổi tiếng với những đồi cà phê bạt ngàn đã dần bộc lộ những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Chỉ tính riêng năm 2016, hạn hán đã ảnh hưởng đến 116,4 ngàn hecta cà phê, trong đó Đăk Lăk bị 56,1 ngàn hecta. Diện tích cà phê bị mất trắng do hạn là 6,9 ngàn hecta, theo số liệu năm 2023 của Cục Trồng trọt.
Bên cạnh đó người dân nơi đây theo thói quen canh tác cũ vẫn sử dụng phân hóa học nhiều, nước tưới cho cà phê cũng chưa thật khoa học, vừa lãng phí nước vừa gây ra xói mòn, rửa trôi… Tất cả những yếu tố trên làm đất trồng cà phê bị suy thoái nghiêm trọng, khiến cho năng suất và chất lượng của cà phê bị ảnh hưởng.
Với mục tiêu xây dựng được quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng cà phê tại vùng Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cùng xây dựng chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Dự án lên kế hoạch thực hiện trong ba năm từ 2023 đến 2026 với tổng kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng. Số tiền này được trích từ quỹ nghiên cứu phát triển Khoa học công nghệ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.
Bước đầu của dự án, ban tổ chức chương trình đã triển khai công tác điều tra thực tế 500 hộ canh tác cà phê ở 5 tỉnh Tây Nguyên để thu thập thông tin cơ sở về giống, kỹ thuật canh tác, tưới nước, bón phân, dịch hại… Đồng thời tổ chức lấy và phân tích gần 200 mẫu đất với hơn 2300 chỉ tiêu lý hóa sinh ở các tầng canh tác trong các vườn trồng cà phê thuần, vườn trồng xen (sầu riêng và hồ tiêu), trong các vườn cây già cỗi, vườn cà phê đang sung sức… để đánh giá hiện trạng độ phì nhiêu đất, phát hiện yếu tố hạn chế và mức độ ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu hiện tại và dự báo cho 3 năm tới.
Từ những cơ sở dữ liệu trên, tiến hành phân tích hiện trạng canh tác, sản xuất cà phê; diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu để dự thảo quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tương ứng theo từng vùng sinh thái ở Tây Nguyên và loại cây trồng (cà phê trồng thuần, cà phê trồng xen sầu riêng, cà phê trồng xen hồ tiêu) - gọi tắt là quy trình tạm thời. Quy trình sau khi dự thảo, sẽ được tham vấn chuyên gia khoa học và cán bộ khuyến nông địa phương để hoàn thiện và triển khai thông qua các mô hình thí điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Điều đặc biệt là quy trình này sẽ không cố định mà luôn có sự biến đổi linh hoạt tùy theo tình hình thực tế nhằm tìm ra giải pháp đơn giản nhất, dễ lan tỏa nhất và phù hợp nhất với tập quán canh tác của bà con nông dân.
Theo lộ trình giai đoạn đầu, từ tháng 9/2023 đến hết 2024, dự án chọn mỗi tỉnh 3 huyện trọng điểm để bố trí mô hình, tổng số 15 mô hình, mỗi mô hình quy mô khoảng 1.5ha.
Nông dân tham gia thực hiện mô hình được công ty tài trợ 100% phân bón cho cả mùa vụ. Bên cạnh đó còn được hỗ trợ nghiên cứu phân tích đất vào cuối vụ, được chuyên gia tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, tưới nước cân đối cho từng loại cây trồng trong vườn.
Sau khi tham gia chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, gia đình ông Quyền được Bình Điền hỗ trợ phân bón cho 1995 cây hồ tiêu và 1300 cây cà phê, với diện tích canh tác 2 héc ta trồng xen canh cà phê và hồ tiêu.
“Cho phân nhưng chủ yếu là cho công tác kỹ thuật, kỹ thuật bón cho mùa khô mùa mưa sao cho thật đảm bảo. Nếu áp dụng đúng kỹ thuật, thì cây trồng phát triển đều đặn, tiết kiệm được thời gian của mình. Dù vậy, ngày xưa các cụ có câu ‘nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’, thì ngoài nước, phân, giống, cái còn lại vẫn là mình phải đi chăm sóc, thăm vườn hàng tuần để mà biết sâu bệnh để mình chữa và biết cách thích ứng với khí hậu”, ông Quyền hồ hởi chia sẻ lại kinh nghiệm mình có được sau khi tham gia dự án.
Không riêng gì ông Quyền, nhiều hộ gia đình nằm trong diện thí điểm cũng thu lại những tín hiệu rất đáng mừng, triển vọng nhân rộng tốt.
Ông Trần Vinh, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết: “Những mô hình mà chúng tôi phối hợp với CTCP phân bón Bình Điền đem lại hiệu quả rất tốt, cao hơn 20% đến 30% so với những mô hình không được đầu tư. Trong thời gian 5 năm tới nếu mà làm những mô hình thông minh theo cái kiểu mới này, tôi cho rằng năng suất chất lượng và hiệu quả sẽ cao hơn nhiều”.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, chia sẻ: “Trong 3 năm, 2023, 2024, 2025, chúng ta sẽ xây dựng nên những quy trình canh tác và xin Bộ nông nghiệp xác nhận đó là một tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời thông qua các cơ quan truyền thông cùng cơ quan khuyến nông cũng như là bà con chung tay tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Từ đó để nhiều bà con ứng dụng được cái quy trình này và nâng cao hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng của mình”.
Quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được xây dựng như một quy trình mở để có thể luôn cập nhật các tiến bộ kỹ thuật giải pháp mới, đồng thời điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ. Ngoài ra các kỹ thuật trong quy trình được thiết kế đảm bảo dễ áp dụng và dễ thực hiện nhất cho bà con nông dân. Vì thế quy trình này hoàn toàn có thể áp dụng và áp dụng trước mắt trên địa bàn Tây Nguyên sau đó nhân rộng ra các địa phương và khu vực có trồng cà phê khác trên cả nước.
Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ tiến hành biên soạn Sổ tay hướng dẫn canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để phổ biến rộng rãi quy trình không chỉ ở các vùng canh tác sản xuất cà phê trong mà còn cả ở ngoài nước như chương trình canh tác lúa thông minh đã thực hiện trước đây.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề " Cộng đồng kiến tạo " tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.Ký kết và công bố hợp tác với các đối tác chiến lược trong lĩnh vực phát triển bền vững và các đơn vị bảo trợ truyền thông:PwC - (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cựcĐơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan toả những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, , Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, TikTokCổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây.
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.