Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - HoSE: MBB) vừa công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý III và luỹ kế 9 tháng năm 2024 với thu nhập lãi thuần tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ lên 10.417 tỷ đồng.
Các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng cho thấy mức tăng trưởng tích cực với lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gần 3 lần so với cùng kỳ lên gần 661 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng đem về cho ngân hàng khoản lãi tăng 22% lên 226 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng 18,7% lên gần 678 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động dịch vụ lại ghi nhận khoản lãi đi lùi, từ 1.079 tỷ đồng xuống 888 tỷ đồng, tương đương mức giảm 17,7%. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn đầu tư dài hạn khiến MB lỗ 172 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 181 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng chính là thu nhập lãi thuần chỉ tăng nhẹ, các nguồn thu ngoài lãi tăng giảm không đồng nhất trong khi chi phí dự phòng rủi ro vẫn ở mức cao nên kết quả, MB báo lãi sau thuế gần như đi ngang so với cùng kỳ ở mức 5.843 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng báo lãi ròng sau thuế gần 16.570 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5% so với 9 tháng năm 2023.
Kết thúc tháng 9/2024, MB ghi nhận tổng tài sản ở mức 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với hồi đầu năm.
Trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 702.020 tỷ đồng, tăng 14,9% so với đầu kỳ. Tiền gửi khách hàng của ngân hàng cũng tăng 10,5% lên 627.567 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của MB tại thời điểm cuối quý III/2024 là 15.685 tỷ đồng, tăng gần 60% so với mức 9.805 cuối năm trước. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,6% lên 2,23%.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ngân hàng tăng 89% lên 6.055 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 51% lên gần 5.583 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 40% lên 4.047 tỷ đồng.
MB công bố báo cáo tài chính quý III sau thời điểm ngân hàng này vừa chính thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Đại dương (OceanBank) vào ngày 17/10 vừa qua.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả kết quả hoạt động Ngân hàng quý III/2024, đối với quyền lợi của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, chắc chắn sẽ có chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, chính sách ra sao còn phụ thuộc vào mức độ chuyển giao, đảm bảo phù hợp với lộ trình, đề án tái cơ cấu.
Nhìn chung, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được các biện pháp hỗ trợ tuân thủ đầy đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành.
Đề cập đến quyền lợi của người gửi tiền khi các ngân hàng 0 đồng được chuyển giao bắt buộc, ông Nguyễn Đức Long - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) khẳng định: "Mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn, quyền lợi người gửi tiền đảm bảo trước trong và sau quá trình chuyển giao".
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/vua-nhan-chuyen-giao-bat-buoc-ngan-hang-0-dong-mb-kinh-doanh-ra-sao-a215319.html