Hóa ra những người “nghiện tiết kiệm” đều có 3 điểm chung này, càng ngẫm càng thấm thía: Có tiền mới có sự tự do, tự tại

Cuộc sống của những người đam mê tiết kiệm tiền sẽ như thế nào nhỉ?

Trước đây, tôi luôn thắc mắc cuộc sống của những người đều đặn tiết kiệm một khoản tiền mỗi tháng, không bao giờ mua sắm linh tinh, liệu có nhàm chán, vất vả hay không? Sau khi quan sát, trò chuyện với những người “nghiện tiết kiệm” quanh mình, tôi đã tìm được câu trả lời.

Nếu nhìn từ phía ngoài, cuộc sống của họ gần như chẳng có gì hào nhoáng hay quá thu hút, nhưng đằng sau cái vẻ bình thường ấy lại là tầng tầng, lớp lớp những điều thi vị, mà có thể gói gọn trong 4 từ: Tự do, tự tại.

Dần dần, tôi hiểu được cách sống của những người luôn tuân thủ kỷ luật tiết kiệm. Mỗi người có thể áp dụng một phương pháp quản lý tài chính khác nhau, tư duy lẫn mục tiêu về vấn đề tiền bạc trong tương lai cũng chẳng ai giống ai, nhưng nhờ đam mê tiết kiệm, cuộc sống của họ lại có 3 điểm chung đáng ngưỡng mộ vô cùng.

1 - Tâm lý ổn định nhờ có nền tảng tài chính vững chắc

Dường như những người đam mê tiết kiệm luôn có tầm nhìn xa và sự vững tâm khi phải đối mặt với những biến cố không mấy tích cực trong chuyện tài chính. Họ có thể vẫn lo lắng, nhưng sẽ không bao giờ đến mức bất an, sợ rằng “mình không thể vượt qua khó khăn này”, tất cả chỉ nhờ khoản tiền mà bản thân đã tích lũy bao năm. Chính cảm giác an tâm tài chính này khiến họ toát lên vẻ tự tin và bình tĩnh trong cuộc sống, mà không cần gắng gượng chút nào.

Hóa ra những người “nghiện tiết kiệm” đều có 3 điểm chung này, càng ngẫm càng thấm thía: Có tiền mới có sự tự do, tự tại- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cách đây 2 năm, khi làn sóng sa thải nhân sự bắt đầu xuất hiện, một người chị cùng công ty khi ấy đã bâng quơ tâm sự với tôi rằng nếu bây giờ chị có tên trong danh sách cắt giảm, chị sẽ coi đó như một cơ hội để bắt đầu đam mê mở tiệm bánh nhỏ của riêng mình.

“Hơn 10 năm đi làm văn phòng, chị vẫn cảm thấy sau này, mình phải mở một tiệm bánh mới được. Nhưng guồng quay công việc, kiếm tiền làm chị cứ trì hoãn việc đó mãi. Giờ mà không còn duyên với công việc này nữa, có lẽ, đó là tín hiệu chị nên bắt đầu theo đuổi đam mê của mình rồi”.

Vậy đấy, một tin tiêu cực với người này có khi lại là động lực, là tin mừng với người khác. Điều tạo nên sự khác biệt đương nhiên là có nhiều, nhưng tôi nghĩ, một trong số đó chính là có tiền. Không có tiền, thất nghiệp 1 tháng thôi cũng như đốt lửa trong lòng rồi, chứ nói gì tới chuyện theo đuổi đam mê.

2 - Tiêu dùng hợp lý, sống đơn giản, thảnh thơi đầu óc

Những người đam mê tiết kiệm tiền thường có ý thức tiêu dùng hợp lý. Họ biết cách phân biệt giữa “nhu cầu” và “mong muốn”, tránh xa được việc mua sắm bốc đồng mà chẳng cần tốn chút sức lực nào. Cuộc sống của họ đơn giản nhưng lại rất chất lượng, đầu óc cũng luôn thảnh thơi vì chẳng có những món đồ thi nhau trườn vào danh sách phải mua.

Có lần, tôi rủ cô bạn khá thân - là một trong những người đam mê tiết kiệm đi shopping cùng tôi. Cả buổi hôm đó, cô ấy chỉ đi xách đồ và góp ý cho tôi nên chọn món này, món kia. Cô ấy thậm chí còn chẳng ngắm nghía bất cứ chiếc áo hay chiếc váy nào. Đến khi tôi đánh tiếng hỏi, bạn tôi chỉ nói một câu đơn giản nhưng khiến tôi phải ngỡ ngàng: “Tớ có đủ quần áo rồi nên chẳng mua thêm làm gì”.

Hóa ra những người “nghiện tiết kiệm” đều có 3 điểm chung này, càng ngẫm càng thấm thía: Có tiền mới có sự tự do, tự tại- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đoạn đường về, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói ấy và thấy bạn mình đỉnh quá. Tôi cũng có đủ quần áo để mặc 4 mùa quanh năm, vậy mà hôm đó, tôi vẫn nài bạn đi shopping cho bằng được, chẳng hiểu sao…

3 - Có kế hoạch cho mọi dự định, cuộc sống hiếm khi trật nhịp

Những người đam mê tiết kiệm tiền thường có những mục tiêu rõ ràng dù là trong ngắn hạn, hay dài hạn; từ mục tiêu lớn đến mục tiêu nhỏ. Chị gái tôi chính là một người như vậy.

21 tuổi tốt nghiệp đại học, 24 tuổi đăng ký học Thạc sĩ, 27 tuổi tốt nghiệp Thạc sĩ và kết hôn, 32 tuổi mua nhà và sinh con,... Chị tôi “lên lịch” cho tất cả những sự kiện ấy trong âm thầm, đương nhiên, không thể bỏ qua việc lập kế hoạch tài chính cho từng chặng trong cuộc đời. Bước qua tuổi 21, chị tôi chưa một lần ngửa tay xin tiền cha mẹ ngay cả khi thực hiện những mục tiêu lớn như kết hôn, mua nhà.

Chị tôi từng nói rằng cách duy nhất để cuộc đời mình không chệch khỏi đường ray, không chệch khỏi đích đến chính là lên kế hoạch, chuẩn bị tiền bạc. Làm được vậy rồi, biến số có tới, mình vẫn là người “nắm đằng chuôi”, không lo mất thế chủ động.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/hoa-ra-nhung-nguoi-nghien-tiet-kiem-deu-co-3-diem-chung-nay-cang-ngam-cang-tham-thia-co-tien-moi-co-su-tu-do-tu-tai-a215341.html