Người khiếm thính được tạo cơ hội vào dây chuyền sản xuất túi bằng nylon
Hằng năm, thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, và riêng tại Việt Nam, con số này là 1,8 triệu tấn, trong đó đa phần là túi nylon. Đáng buồn thay, hơn 80% túi nylon bị vứt bỏ sau một lần sử dụng và rất ít được tái chế.
Nylon là một loại nhựa khó thu hồi, có giá trị tái chế thấp và gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho môi trường. Chỉ khoảng 11-12% lượng chất thải nhựa và túi nylon được tái chế, trong khi phần lớn bị chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực cho hệ sinh thái và đặc biệt là ô nhiễm đại dương.
Nhận thức được nhu cầu cấp bách về các giải pháp tái chế bền vững, Limloop quyết tâm xây dựng mô hình kinh doanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thay đổi cách mọi người nhìn nhận về tái chế. Doanh nghiệp này cam kết biến rác thải thành tài nguyên hữu dụng thông qua việc thu gom và tái chế túi nylon thành các sản phẩm thời trang mang giá trị thẩm mỹ và chức năng cao.
Ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, Limloop còn tạo việc làm cho người yếu thế, đặc biệt là những người khiếm thính, giúp họ phát huy năng lực và cải thiện thu nhập. Tất cả sản phẩm đều định hướng theo quy trình sản xuất bền vững, với mục tiêu giảm thiểu phát thải và sử dụng nguyên liệu có thành phần tái chế.
“Chúng tôi muốn thay đổi cách nhìn về đồ tái chế – từ “rác thải” thành những sản phẩm hữu dụng, gắn bó với đời sống. Thời trang tái chế có thể sáng tạo, thẩm mỹ và có giá trị. Hơn thế nữa, Limloop còn tạo ra cơ hội cho những người yếu thế, đặc biệt là người khiếm thính, bằng cách cung cấp công việc ổn định trong quy trình sản xuất. Đội ngũ nhân sự của chúng tôi không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm thời trang bền vững mà còn phát huy được năng lực cá nhân, tự tin trong công việc, và đảm bảo thu nhập ổn định”, Đại diện Limloop cho biết.
Những sáng kiến này không chỉ mang lại giá trị bền vững, mà còn tạo nên các sản phẩm thời trang sáng tạo, độc đáo, thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về tái chế và nâng tầm thẩm mỹ cho các sản phẩm tái chế.
Một cuộc đời mới mở ra cho nylon
Từ nylon thu gom trong cộng đồng và một phần từ nguồn phế liệu của doanh nghiệp, Limloop có các giải pháp sau:
_ Nylon ép nhiệt: Limloop sử dụng phương pháp ép nhiệt để biến nylon đã qua sử dụng thành chất liệu mới. Các lớp nylon chồng lên nhau tạo ra những sản phẩm độc đáo mà không cần in ấn hay nhuộm màu. Mỗi chiếc túi được tạo ra từ 10-20 chiếc bao nylon cũ, mang đậm tính thủ công và sáng tạo.
_ Nylon dệt: Nylon thu gom được cắt, se sợi và dệt thành vải nhờ vào sự sáng tạo của đội ngũ khiếm thính. Công việc vận hành máy dệt thường tạo ra môi trường rất ồn ào, gây khó chịu cho người bình thường, nhưng với các nhân sự khiếm thính của Limloop, đây là công việc phù hợp, giúp họ phát huy năng lực cá nhân. Mỗi túi nylon dệt thành phẩm sử dụng từ 20-40 chiếc túi nylon đã qua sử dụng, mang lại giá trị thẩm mỹ cao và tạo cơ hội cho người lao động yếu thế.
Không chỉ với nylon, Limloop còn mang lại giải pháp tái chế nâng cấp bạt banner và mở rộng sang quần áo cũ.
_ Tái chế bạt banner: Limloop cũng tái chế các bạt quảng cáo đã qua sử dụng từ các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp thành túi và chậu cây. Bạt banner thường không thể tái chế đúng cách và thường bị chôn lấp, gây hại cho môi trường đất và nước. Bằng cách tái chế nâng cấp, Limloop giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của loại rác thải này, đồng thời tạo ra những sản phẩm thiết thực, thân thiện với môi trường.
_ Limloop đang nghiên cứu mở rộng quy trình tái chế với mục tiêu sử dụng các chất liệu như quần áo và đồng phục cũ. Việc này không chỉ giúp tăng cường tái sử dụng các vật liệu khó xử lý, mà còn mở rộng danh mục sản phẩm thân thiện với môi trường.
Những sáng kiến này không chỉ mang lại giá trị bền vững, mà còn tạo nên các sản phẩm thời trang sáng tạo, độc đáo, thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về tái chế và nâng tầm thẩm mỹ cho các sản phẩm tái chế.
Bên cạnh quá trình tái chế, Limloop thường xuyên tổ chức các chiến dịch thu gom rác thải nhựa, đồng hành cùng các thương hiệu, tổ chức và những người có sức ảnh hưởng. Các chiến dịch thu gom - chuỗi workshop tái chế rác thành túi của Limloop không chỉ nhằm mang lại sự nhận biết, mà còn là cầu nối thiết thực giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về tái chế như chiến dịch “Cùng gom nào, cho trái đất xanh” phối hợp cùng Hoa hậu Ngọc Châu; Trạm thu gom tại hệ thống cửa hàng xanh Limart và các trường đại học như RMIT, UEH, Đại học Quốc tế TP.HCM; Tập đoàn Nam Long và Limloop đã đồng tổ chức Tour "Trạm Xanh Nam Long" với nhiều hoạt động thu gom rác tại các khu dân cư, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hỗ trợ những người yếu thế trong cộng đồng.
Những con số ấn tượng nói lên điều gì?
Limloop đã thu gom được hơn 02 tấn nylon và 05 tấn bạt banner từ các chiến dịch thu gom cộng đồng. Từ những vật liệu này, hơn 6.000 chiếc túi thời trang bền vững đã được tái chế, tạo ra việc làm cho người khuyết tật, đồng thời mang lại giá trị tích cực cho môi trường và cộng đồng.
“Năm 2023, với quy mô của Limloop, chúng tôi không có ngân sách cho hoạt động quảng bá và marketing. Đồng thời, để có nguồn nguyên liệu cho sản xuất, khối lượng nylon cần ổn định. Limloop bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng, trong đó quan trọng nhất là tạo ra các điểm thu gom nylon, banner trong cộng đồng cùng với sự hợp tác từ các thương hiệu khác. Nylon thu gom ban đầu lẫn nhiều tạp chất và cả những loại bao bì nhựa nằm ngoài khả năng tái chế nhưng với việc truyền thông dần dần đã có chất lượng tốt hơn. Khối lượng nylon thu gom được qua chương trình lớn "Cùng gom nào cho trái đất xanh" đạt trên 200kg với chỉ 2 tuần triển khai, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của đông đảo hơn 10 doanh nghiệp, 05 trường học, 2 đối tác vận chuyển và nhiều cá nhân. Chương trình thu gom cũng được mở rộng cùng với các doanh nghiệp với khối lượng thu gom trên 400kg”.
Trong quá trình thu gom, nhận thấy nhu cầu về tái chế nâng cấp banner từ PVC canvas vốn được sử dụng rộng rãi trong việc quảng bá của các thương hiệu. Đây cũng là loại vật liệu đặc biệt, không có khả năng tái chế đúng nghĩa, không thể đốt do sẽ tạo ra khói độc, hầu như chỉ có cách xử lý chôn lấp tại bãi rác, tạo thành gánh nặng cho môi trường. Limloop phát triển giải pháp tạo ra các sản phẩm túi, đồ dùng từ banner, góp phần làm giảm khối lượng rác thải. Tuy con số xử lý banner không nhiều, nhưng phần nào cũng giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về tác động đến môi trường.
Trong năm 2024, Limloop đẩy mạnh việc tiếp cận đến khách hàng là người tiêu dùng. Nhận thấy quan niệm đánh giá của người tiêu dùng với sản phẩm tái chế và thủ công từ bàn tay của người khuyết tật chỉ ở mức độ là một sản phẩm có tính xã hội, mua phần nhiều vì muốn ủng hộ sẽ rất khó phát triển lâu dài. Limloop đã quan tâm hơn đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, cải tiến thiết kế, tìm cách tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Limloop cũng hợp tác với các nhà thiết kế thông qua cuộc thi "From waste to wow" tìm kiếm các thiết kế độc đáo và có tính ứng dụng cao cho túi tái chế.
Cùng với cuộc thi là các hoạt động workshop tái chế, trưng bày sản phẩm sáng tạo từ tái chế tạo tác động, giúp người tiêu dùng hiểu thêm về thời trang tái chế. Các trạm thu gom nylon hợp tác cùng hệ thống cửa hàng xanh Limart là nơi tiếp nhận nylon từ cộng đồng.
“Trong 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi thu được gần 600kg nylon các loại. Mô hình hoạt động của Limloop khá tinh gọn, hoạt động marketing tập trung vào các sự giúp sức từ cộng đồng và các hoạt động với các công ty khách hàng/ đối tác”, đại diện Limloop chia sẻ những con số ấn tượng trong năm nay.
Trong bối cảnh hiện tại, Limloop là một lựa chọn xanh, giúp người tiêu dùng hiểu thêm về khả năng của tái chế nâng cấp, kinh tế tuần hoàn. Không chỉ dừng ở góc độ sản phẩm, Limloop mang lại ý nghĩa nối tiếp vòng đời cho nylon - là loại rác thải khó xử lý. Khuyến khích người tiêu dùng cùng tham gia, từ việc giữ lại những chiếc túi nylon qua sử dụng gửi đến Limloop, góp phần tạo việc làm cho người khuyết tật và tạo ra vòng đời mới cho sản phẩm.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, , Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam