Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - HoSE: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ lên 6.365 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng lại kém khả quan hơn khi cho thấy sự thụt lùi với lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 27% xuống gần 218 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng cũng ghi nhận khoản lãi giảm 2,7 lần xuống còn 6 tỷ đồng.
Hoạt động khác cũng khiến ngân hàng lỗ gần 11 tỷ đồng, trong khi cung kỳ lãi 30 tỷ đồng. Duy chỉ có hoạt động dịch vụ thu về khoản lãi tăng 5% lên gần 756 tỷ đồng.
Nhờ đã tăng của thu nhập lãi thuần, dù chi phí hoạt động của ngân hàng vẫn neo cao ở mức 3.287 tỷ đồng, Sacombank vẫn ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 36% so với cùng kỳ lên 3.950 tỷ đồng.
Kết quả, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 45% lên gần 1.199 tỷ đồng, Sacombank vẫn báo lãi trước thuế gần 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng 35% so với cùng kỳ năm trước lên 2.201 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 12% lên 18.433 tỷ đồng. Ngân hàng báo lãi ròng trước thuế 8.094 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 6.489 tỷ đồng, tăng gần 19% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Năm 2024, Sacombank đặt ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, kết thúc quý III/2024, Sacombank đã hoàn thành 76% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận ở mức 702.986 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi cuối năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng là 525.493 tỷ đồng, tăng 9%. Tiền gửi của khách hàng tăng 11% so với năm 2023 lên 566.724 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của Sacombank tại thời điểm cuối tháng 9/2024 là 13.000 tỷ đồng, tăng 18% so với mức 10.984 tỷ đồng hồi đầu năm. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Sacombank tăng từ 2,28% lên 2,47%.
Đáng chú ý, các khoản nợ đang có dấu hiệu dịch chuyển. Trong khi nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm 1,9 lần xuống 2.428 tỷ đồng thì nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ngân hàng tăng mạnh nhất, gấp 1,8 lần đầu năm lên 9.045 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính lần này, tiền lương của ban lãnh đạo Sacombank vẫn tiếp tục là một ẩn số.
Trong đó, đáng quan tâm nhất là thu nhập của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, người mới đây đã được Tạp chí Fortune của Mỹ công bố trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024.
Những năm trước đó, ngoài năm 2023 được ngân hàng công bố thù lao của từng thành viên HĐQT, mức thu nhập của những thành viên trong Ban Tổng Giám đốc vẫn chưa được tiết lộ.
Chính thức giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng từ năm 2017, trong 5 năm kể từ khi bà Diễm làm CEO, ngân hàng đã thu hồi, xử lý 71.992 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó, 58.306 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đến năm 2025. Tỉ lệ nợ xấu bao gồm nợ bán VAMC chưa xử lý ở mức 6,71%, giảm 15,06% so với năm 2016.
Năm 2023, ngân hàng đã thu hồi xử lý 7.941 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 4.487 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/no-co-kha-nang-mat-von-cua-sacombank-vuot-9000-ty-dong-a215411.html