Khí đốt vẫn “đắt hàng”, gã khổng lồ Gazprom Nga gia tăng đầu tư

Trước xung đột ở Ukraine, Nga đã cung cấp khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt cho châu Âu.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đang tăng kế hoạch đầu tư cho năm 2024 thêm 4% lên 16,9 tỷ USD (1,642 nghìn tỷ Rúp) nhờ vào sự gia tăng về xuất khẩu và nguồn cung trong nước, gã khổng lồ khí đốt Nga cho biết sau khi phê duyệt kế hoạch tài chính mới cho năm.

"Kế hoạch tài chính cho năm 2024 do Hội đồng Quản trị của Gazprom phê duyệt sẽ đảm bảo rằng các nghĩa vụ của công ty sẽ được đáp ứng đầy đủ mà không có bất kỳ khoản thâm hụt nào", Gazprom cho biết trong một tuyên bố.

Tập đoàn Nga tiếp tục phát triển các dự án quan trọng, bao gồm cả dự án nhằm thúc đẩy nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc, ông Famil Sadygov, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý tại Gazprom, cho biết trong một tuyên bố được hãng thông tấn Nga TASS đưa tin hôm 30/10.

Trước đó, gã khổng lồ năng lượng Nga đã nhắm mục tiêu đầu tư tổng cộng 16,5 tỷ USD (1,574 nghìn tỷ Rúp) cho năm 2024.

Khí đốt vẫn “đắt hàng”, gã khổng lồ Gazprom Nga gia tăng đầu tư- Ảnh 1.

Gazprom là một trong những công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga và thế giới. Ảnh: APA.AZ

Gazprom vẫn xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống đến châu Âu, qua một tuyến đường ống đi qua Ukraine và qua đường ống TurkStream. Khách hàng là một số quốc gia ở Trung Âu.

Nga phô diễn sức mạnh, phóng cả 3 tên lửa mạnh nhất Yars, Sineva và BulavaĐỌC NGAY

Nga đã chứng kiến lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu giảm đáng kể kể từ khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Sự sụt giảm lớn trong lượng khí đốt giao hàng của Gazprom là do việc dừng xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga đến hầu hết các quốc gia châu Âu.

Vài tuần sau khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.

Sau đó, Gazprom bắt đầu cắt giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream đến Đức vào tháng 6/2022, viện dẫn việc không thể bảo dưỡng turbine khí do các hạn chế gây ra bởi các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow.

Chỉ vài tuần sau, vụ phá hoại đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 1 và 2 vào cuối tháng 9/2022 đã khiến mọi tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga qua Biển Baltic đến Đức bị đóng cửa hoàn toàn.

Sau ngày 31/12 tới, dòng khí đốt Nga trung chuyển qua mạng lưới đường ống qua Ukraine có khả năng cũng sẽ ngừng lại do hợp đồng mà Gazprom ký kết vào năm 2019 hết hiệu lực mà không có dấu hiệu sẽ được gia hạn.

Trước xung đột ở Ukraine, Nga đã cung cấp khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt cho châu Âu. Trong bối cảnh hầu hết các thị trường châu Âu hiện đã đóng cửa đối với khí đốt Nga, Moscow dường như đang gặp khó trong việc thuyết phục Trung Quốc mua thêm khí đốt qua đường ống.

Bắc Kinh có vẻ không mặn mà thực hiện một dự án đường ống lớn mới để nhập khẩu thêm khí đốt qua đường ống của Nga. Nhưng Gazprom vẫn đang tiếp tục và đang đẩy nhanh xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) hiện có, với mục tiêu đạt công suất tối đa vào cuối năm 2024 – sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Tham khảo thêm
Khai hỏa tên lửa hành trình Anh-Pháp từ cường kích Su-24: Bước chuyển chiến lượcKhai hỏa tên lửa hành trình Anh-Pháp từ cường kích Su-24: Bước chuyển chiến lược
Tham khảo thêm
Tàu ngầm hạt nhân Borei: “Siêu thủy quái” tinh vi nhấtTàu ngầm hạt nhân Borei: “Siêu thủy quái” tinh vi nhất

Minh Đức (Theo Oil Price, TASS)

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/khi-dot-van-dat-hang-ga-khong-lo-gazprom-nga-gia-tang-dau-tu-a215582.html