Nội dung chính:
Gừng Việt Nam được thế giới ưa chuộng. Tác dụng của gừng. Lưu ý khi sử dụng gừngThế giới ưa chuộng gừng Việt Nam
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 21.841 tấn gừng, nghệ và gia vị, tổng kim ngạch đạt gần 45 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính của gừng, nghệ và gia vị của Việt Nam lần lượt là Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia.
Gừng Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng đông lạnh. Ngoài ra, gừng chế biến của Việt Nam cũng được tiêu thụ khá mạnh, thường được dùng để làm gia vị và được sử dụng để hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa, giảm buồn nôn, giúp chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.
Tác dụng của gừng
Gừng là loại gia vị không thể thiếu trong ẩm thực của nhiều quốc gia. Gừng được trồng rộng rãi ở khắp nơi, nhất là các nước có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới.
Tại Việt Nam, gừng được trồng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ miền núi đến đồng bằng và cả hải đảo. Cây ưa phát triển ở những nơi đất ẩm và có ánh sáng.
Ngoài làm gia vị, từ xa xưa, gừng đã được dùng làm thuốc điều trị bệnh hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Trọng Tín (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3) cho hay, gừng là vị thuốc nam được sử dụng rất phổ biến trong y học cổ truyền.
Trong Y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng tiêu đàm, giải độc... Tùy vào mỗi dạng bào chế mà gừng có công dụng khác nhau.
Gừng sống còn được gọi là sinh khương, đi vào 2 kinh phế và vị, có tác dụng ra mồ hôi, trừ lạnh, cầm nôn mửa, thông đờm. Gừng sống được dùng làm thuốc chữa cảm lạnh, cúm, sổ mũi, đầy bụng, ngộ độc…
Theo Tây y, gừng sống có tác dụng giúp tiêu hóa, chống nôn, chống viêm, giảm đau, bổ tim, kích thích toàn thân thể.
Gừng khô còn gọi là can khương. Theo Đông y, can khương có vị cay, tính ấm, đi vào 4 kinh: tâm, phế, tỳ, vị. Can khương có tác dụng làm ấm dạ dày, trừ lạnh, thông mạch, ra mồ hôi… Can khương dùng chữa các chứng bệnh lạnh, đau tức ngực, ho hen, lạnh chân tay, mạch yếu, tê thấp, đầy hơi.
Bác sĩ Tín cho hay người dân cũng thường dùng gừng để nấu cùng các thực phẩm có tính hàn như nghêu, vịt, cá trê,... hoặc chế biến thành trà gừng, mứt gừng để làm ấm bụng vào những ngày mùa đông.
Lưu ý khi sử dụng gừng
Gừng chứa nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng người dân không nên lạm dụng loại gia vị này để tránh gây hại sức khỏe, bác sĩ Tín lưu ý. Đặc biệt, những người có thể trạng âm hư, hoặc trong người có nhiệt thì không nên sử dụng gừng. Khi dùng gừng làm thuốc chữa bệnh, người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ y học cổ truyền để sử dụng phù hợp với cơ địa của từng người.