Ham lợi trước mắt, nhiều sinh viên bất chấp bỏ học chính để đi học hộ, thi hộ

Coi đây là công việc nhàn hạ, chỉ cần đến ngồi điểm danh là có tiền, nhiều sinh viên bất chấp bỏ cả học chính của bản thân để đi học hộ.

Bước vào năm 2 đại học, Nguyễn Thu Quỳnh, (20 tuổi, quê Nam Định) sinh viên một trường kinh tế tại Hà Nội quyết định tìm cho công việc làm thêm để san sẻ gánh nặng chi phí sinh hoạt với gia đình. Dù lịch học trên trường không cố định, nhưng nữ sinh tìm mãi vẫn chưa thấy công việc nào phù hợp với quỹ thời gian trống của bản thân.

Được bạn bè mách nước lên các hội nhóm facebook nhận đi học hộ rất dễ kiếm tiền, không vất vả như khi đi làm phục vụ ở các quán cafe, nhà hàng, hơn hết được linh động lựa chọn ca học, Quỳnh gật gù đồng ý. Cô nàng liền truy cập vào các trang nhóm thuê học hộ để tìm việc.

Trót lọt buổi đầu đi học thuê cho một sinh viên trường khác và nhận về 150.000 đồng, Quỳnh vui mừng nói giá như biết đến công việc này sớm hơn. Trong suốt 3 tháng qua, nếu không vướng lịch học trên trường, nữ sinh này sẽ tìm và nhận các lớp học hộ phù hợp.

Ham lợi trước mắt, nhiều sinh viên bất chấp bỏ học chính để đi học hộ, thi hộ- Ảnh 1.

Dịch vụ học hộ, thi hộ không còn quá xa lạ với sinh viên các trường đại học. (Ảnh minh hoạ)

Càng làm càng say, trước mức thù lao hấp dẫn, Quỳnh thậm chí bỏ cả việc học chính bằng việc nghỉ tối đa số buổi cho phép/môn để đi học hộ. “Việc nhẹ lương cao, tội gì mà mình không nhận. Em hay ngồi cuối lớp, nếu giảng viên dễ tính, em có thể làm việc riêng, lấy bài tập của mình ra làm, còn nếu khó tính phải ngồi im, không được để thầy cô chú ý đến", nữ sinh nói và cho biết khi đến học hộ, điều quan trọng nhất là điểm danh cho người bỏ tiền ra thuê mình.

Thu Quỳnh cho biết, các dịch vụ học hộ, thi hộ tràn lan trên mạng, quan trọng là người thuê có nhu cầu thế nào. Dịch vụ đến điểm danh xong về thường có giá khoảng 70.000 đồng, nếu ở lại học đến hết buổi, giá sẽ từ 100.000 - 200.000 đồng. Đa phần những người có nhu cầu tìm người học hộ, thi hộ sau khi hoàn thành giao dịch, đều thanh toán online, hiếm khi gặp mặt trực tiếp.

Giống như Thu Quỳnh, Đặng Xuân Vương (20 tuổi, quê Thanh Hoá), sinh viên năm 3 chuyên ngành Công nghệ thông tin coi học hộ là công việc dễ kiếm ra tiền nhất trong tất cả các việc làm thêm.

“Em có kinh nghiệm học hộ cho nhiều bạn sinh viên ở nhiều trường đại học. Người thuê chỉ cần gửi thông tin cá nhân, môn học và thầy cô, việc qua mắt gần như là điều dễ dàng” , Vương tự tin nói.

Theo Xuân Vương, những lần bản thân đi học hộ hầu hết ở tại các trường có cơ sở vật chất hiện đại, thầy cô giảng bài rất thú vị. Một công việc không những kiếm ra tiền mà còn được thêm cả kiến thức, thật khó để nam sinh bỏ qua.

Vương thường nhận 120.000 -150.000 đồng/1 buổi học hộ. Ngoài ra, nam sinh còn chia sẻ công khai giá làm một bài tiểu luận kết thúc học phần rơi vào khoảng 500.000 - 1.500.000 đồng/môn, tuỳ độ khó. Tính trung bình 1 tháng, nếu tranh thủ đi học hộ được nhiều buổi, kết hợp làm hộ tiểu luận, nam sinh có thêm 3 - 4 triệu bỏ túi.

Ham lợi trước mắt, nhiều sinh viên bất chấp bỏ học chính để đi học hộ, thi hộ- Ảnh 2.

Tràn lan các hội nhóm cung cấp dịch vụ học hộ, thi hộ (Ảnh chụp màn hình)

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công Thương TP.HCM đánh giá, học hộ, thi hộ là một vấn nạn đang diễn ra ngày càng phổ biến trong môi trường đại học, thể hiện sự thiếu nghiêm túc và trách nhiệm trong học tập. Điều này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về đạo đức, chất lượng giáo dục và sự công bằng trong xã hội.

“ Việc thuê người học hoặc thi hộ không chỉ tạo nên sự bất bình đẳng giữa các sinh viên mà còn ảnh hưởng lớn đến bản chất và mục tiêu của giáo dục. Hệ lụy nghiêm trọng hơn, hành vi này làm suy yếu lòng tin vào hệ thống giáo dục, khi những sinh viên gian lận có thể đạt được bằng cấp và cơ hội nghề nghiệp mà lẽ ra phải thuộc về những người thực sự học tập và làm việc chăm chỉ" , ông Sơn nói.

Với người thuê, nếu việc học hộ, thi hộ trót lọt, sinh viên có thể nảy sinh tâm lý lười học, ỷ lại. Hành trang khi ra trường sẽ thiếu rất nhiều kỹ năng và kiến thức mà chính các bạn đã bỏ lỡ ở những buổi trốn tiết, nhờ người học hộ. Từ đó gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi, cũng như đáp ứng yêu cầu công việc, thị trường lao động.

Với người được thuê, dù có thu nhập nhất thời, nhưng hành động này có thể làm mất đi sự tin tưởng và uy tín cá nhân. Bởi thực chất đây chỉ là hành động tiếp tay hiện tượng học đối phó, vi phạm nghiêm trọng đạo đức sinh viên.

"Vấn nạn học học, thi hộ tiếp tại các trường đại học nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ dần làm suy giảm niềm tin vào chất lượng giáo dục và giá trị của bằng cấp" , ông Sơn nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc học hộ, thi hộ không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng mà còn là sự coi thường giá trị học tập chân chính. Sinh viên sẽ không có được kiến thức thực tế và khi ra trường, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu công việc.

Để giải quyết tình trạng này, các trường đại học cần áp dụng giải pháp toàn diện và đồng bộ, trong đó bao gồm: Tăng cường giám sát: Các trường đại học cần đầu tư vào công nghệ giám sát hiện đại như hệ thống điểm danh điện tử, nhận diện khuôn mặt trong các kỳ thi để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm.

Các nhà trường cần tổ chức những buổi hội thảo về đạo đức học đường và trách nhiệm cá nhân, giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập thực chất và hậu quả nghiêm trọng của hành vi gian lận.

Tình trạng học hộ, thi hộ đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Thông tư số 32 năm 2020 của Bộ GD&ĐT và Điều 22 Luật Giáo dục, nghiêm cấm các hành vi gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác là một trong những hành vi học sinh sinh viên không được thực hiện.

Nếu thực hiện hành vi thi, kiểm tra hộ hoặc nhờ thi, kiểm tra hộ lần đầu có thể bị áp dụng hình thức xử lý đình chỉ học tập 1 năm học, lần 2 có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học hoặc các hình thức kỷ luật khác theo nội quy của nhà trường.

Với hành vi tổ chức học, thi, kiểm tra hộ thì có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học hoặc tùy theo mức độ có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/ham-loi-truoc-mat-nhieu-sinh-vien-bat-chap-bo-hoc-chinh-de-di-hoc-ho-thi-ho-a215883.html