Tuổi thơ vất vả nhặt phế liệu
Phương Uy, sinh năm 1973 tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, hiện đang là Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn công nghiệp Phương Đạt Liêu Ninh (Fangda Group). Nhìn khối tài sản và thành công của ông hiện tại, không ai ngờ rằng Phương Uy từng là một cậu bé xuất thân từ vùng quê nghèo, gia đình kiếm sống bằng nghề gom đồng nát.
Ban đầu, cả gia đình sống dựa vào việc nhặt rác qua ngày. Có những thời điểm, hai bố con Phương Uy sống trong tình cảnh ăn bữa hôm nay nhưng không kiếm đâu ra bữa ngày mai. May mắn hàng xóm xung quanh đều tốt bụng và nhiệt tình, thường mang gạo, rau hay vài thực phẩm khác cho gia đình ông.
Khi lên 6 tuổi, Phương Uy bắt đầu theo bố đi nhặt rác. Trong đống rác tìm được gì có thể bán, họ liền gom lại rồi phải đi bộ hàng chục km để đổi lấy tiền. Nhưng cũng nhờ những ngày tháng đó, Phương Uy bắt đầu học được một số kỹ năng, như cách phân biệt chất lượng và giá trị của phế liệu, loại sắt và nhựa phế liệu nào bán chạy hơn, nhà máy thép hoặc công ty tái chế nào trả giá cao nhất… Từ đó, mới mười mấy tuổi, ông đã nắm bắt được vài mẹo kinh doanh và tìm được cơ hội để kiếm tiền.
Đầu những năm 1990, bố con Phương Uy tiết kiệm được một khoản tiền để mở một nhà máy sản xuất hạt vi mô. Cũng chính lúc này, một sự việc bất ngờ đã mở ra con đường tài chính của Phương Uy. Do ngành thép thời điểm đó đang suy thoái, một nhà máy thép sắp phá sản cần bán gấp tài sản để trả nợ, nên đã thế chấp mỏ quặng sắt quy mô nhỏ của họ cho Phương Uy.
Lúc đó, hai bố con nhà họ Phương cũng không thể tưởng tượng được rằng mỏ sắt thế chấp này về sau này lại trở thành “gà đẻ trứng vàng” của họ. Chỉ trong vài năm, giá quặng sắt bất ngờ tăng vọt, bố con họ đã dần trở nên giàu có.
Với số tiền khổng lồ này, Phương Uy bắt đầu tham vọng phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình một cách lớn mạnh. Dần dần, ông thu mua một số mỏ than, nhà máy thép và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở quê nhà tỉnh Liêu Ninh. Chưa đến vài năm, nhờ chiến lược kinh doanh tài ba, lợi nhuận của các cơ sở này đều đã tăng vọt.
Tiếp đó, Phương Uy bắt đầu chuyển sự chú ý sang thị trường cổ phiếu và liên tiếp bỏ ra số tiền khổng lồ để mua lại 4 công ty niêm yết: Công ty Carbon Lan Châu, Sắt thép Nam Xương, ST Cẩm Hóa và Dược phẩm Đông Bắc. Từ đó xây dựng đế chế công nghiệp của riêng mình.
Tập đoàn Phương Đạt.
Ngày nay, tập đoàn Phương Đạt là một gã khổng lồ trong ngành sắt thép với nhiều công ty con nổi tiếng và tổng tài sản vượt quá 120 tỷ NDT (hơn 428 nghìn tỷ đồng). Đến năm 2023, Phương Uy đã đứng thứ 59 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc Hurun, với tài sản cá nhân là 63 tỷ NDT (hơn 220 nghìn tỷ đồng).
Từ việc nhặt rác, gom đồng nát đến sở hữu 4 công ty niêm yết, ông đã dùng chính cuộc đời mình để viết nên một huyền thoại kinh doanh đầy cảm hứng.
Nổi tiếng vì thưởng Tết cho nhân viên phong bì trị giá bạc tỷ, tiền chất thành núi
Không chỉ là người có đầu óc kinh doanh, Phương Uy còn nổi tiếng là một người biết đối nhân xử thế. Ông luôn tâm niệm, tài sản quý giá nhất không phải là tiền mà là những nhân viên luôn sát cánh cùng công ty. Đi lên từ khốn khó, Phương Uy luôn cố gắng để hướng đến mục tiêu để doanh nghiệp và nhân viên đôi bên cùng có lợi.
Trong nhiều thập kỷ, tập đoàn Phương Đạt đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng hệ thống phúc lợi tốt cho nhân viên. Dữ liệu cho thấy, tính đến đầu năm 2023, tập đoàn này đã phân phối tổng cộng 3,8 tỷ NDT (13,5 nghìn tỷ đồng) tiền phúc lợi cho các nhân viên.
Theo The Paper, hàng năm, tập đoàn Phương Đạt đều có thông lệ phát bao lì xì với giá trị lớn cho nhân viên ở các chi nhánh. Kể từ năm 2011, tổng giá trị bao lì xì mà công ty phát cho nhân viên đã lên tới hơn 900 triệu NDT (khoảng 3,2 nghìn tỷ đồng) trong 8 năm. Theo đó, trung bình mỗi nhân viên sẽ nhận được 165.000 NDT (hơn 580 triệu đồng). Công ty cũng nhấn mạnh rằng họ luôn nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Từ năm 2019, tập đoàn Phương Đạt đã tạo ra một phương thức thưởng cuối năm độc đáo. Họ dùng hàng triệu NDT tiền thưởng tết để xây dựng một “bức tường tiền mặt” hoặc “núi tiền mặt” cao ngất ngưởng để tạo động lực cho nhân viên. Không chỉ những người đang làm việc được thưởng, những nhân viên đã nghỉ hưu cũng được nhận trợ cấp của tập đoàn. Từ đó về sau, việc phát thưởng bằng "bức tường tiền mặt" và “núi tiền mặt” đã trở thành truyền thống của tập đoàn Phương Đạt.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, tập đoàn Phương Đạt lại gây sốc khi khoe số tiền thưởng Tết cho nhân viên xếp thành núi.
Ngoài tiền thưởng, Phương Đạt còn cung cấp cho nhân viên sự bảo vệ và chăm sóc toàn diện về vấn đề sức khỏe và đời sống. Ví dụ, tất cả nhân viên đều được công ty chi trả đầy đủ các chi phí an sinh xã hội và bảo hiểm thương mại hàng năm. Cứ 2 năm một lần, tập đoàn lại tổ các chuyến đi du lịch nước ngoài miễn phí cho nhân viên. Có thể nói, chế độ đãi ngộ và phúc lợi mà Phương Đạt cung cấp cho nhân viên của mình luôn thuộc loại tốt nhất.
Không chỉ đãi ngộ hậu hĩnh, tỷ phú Phương Uy còn được nhân viên yêu quý vì luôn giữ phong thái khiêm tốn, lịch sự và gần gũi với mọi người. Mỗi dịp tổng kết cuối năm, ông sẽ đích thân đến giao lưu và phát quà cho tất cả các nhân viên từ cấp cao đến thấp.
Không chỉ vậy, trong nhiều năm qua, tỷ phú Phương Uy còn hết lòng cống hiến cho xã hội thông qua hoạt động từ thiện. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2023, Phương Uy và Tập đoàn Phương Đạt của ông đã quyên góp tổng cộng 1,3 tỷ NDT (khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng) cho các hoạt động phúc lợi công cộng.
Chỉ riêng năm 2022, tập đoàn Phương Đạt đã quyên góp 350 triệu NDT (khoảng 1,2 nghìn tỷ) cho các dự án như tái thiết các khu vực hứng chịu thiên tai và xóa đói giảm nghèo. Ông từng khẳng định chắc chắn rằng trong suốt cuộc đời của mình, dấu chân từ thiện của tập đoàn Phương Đạt sẽ được lan tỏa đến mọi ngóc ngách của quê hương. Chính cái tâm và cái tầm của mình đã khiến tỷ phú Phương Uy trở thành một người được cả xã hội Trung Quốc nể phục.
(Theo Baijiahao)