Ảnh: IDF/Qua Reuters/Ảnh tài liệu.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết trong chiến dịch không kích ngày 26/10, lực lượng này đã phá hủy nhiều xưởng sản xuất tên lửa và cơ sở phòng không của Iran trong 3 lượt không kích. Các nhà nghiên cứu cho biết dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các mục tiêu bị phá hủy bao gồm nhiều tòa nhà từng được sử dụng trong chương trình hạt nhân của Iran.
Justin Bronk, một chuyên gia công nghệ và không lực tại Viện nghiên cứu các Lực lượng Tác chiến Hoàng gia tại London cho biết Tehran phòng thủ những vị trí này bằng "số lượng khổng lồ các loại" hệ thống phòng không.
Tên lửa hành trình thường dễ bị bắn hạ hơn bởi các hệ thống phòng không dày đặc và tích hợp chặt chẽ so với tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo thường được phóng từ địa điểm được biết từ trước, và phần lớn không thể thay đổi hướng di chuyển trên đường bay.
Các chuyên gia cho biết các tên lửa đạn đạo phóng từ trên không có tốc độ cao, độ chính xác cao như tên lửa Rampage của Israel Aerospace Industries vượt qua những rào cản gặp phải trong sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất hoặc tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) – các tên lửa sử dụng cánh để di chuyển qua khoảng cách lớn và giữ vững cao độ bay.
Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Phi phổ biến Vũ khí Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Phi phổ biến Vũ khí James Martin thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, California cho biết: "Lợi thế lớn nhất mà ALBM có được so với ALCM là tốc độ bay giúp vượt qua hệ thống phòng không. Điểm yếu của loại vũ khí này là tính chính xác, và có vẻ điểm yếu đó đã phần lớn được giải quyết".
Tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất – loại vũ khí Iran đã sử dụng để tấn công Israel 2 lần trong năm nay, và cũng là loại vũ khí mà Nga và Ukraine đã sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine trong hơn 2 năm qua – là loại vũ khí phổ biến trong kho vũ khí của nhiều quốc gia. Tương tự, tên lửa hành trình cũng là loại vũ khí phổ biến.
Vì ALBM được trang bị trên máy bay chiến đấu, điểm phóng của những vũ khí này linh hoạt và giúp cải thiện khả năng lên kế hoạch không kích.
Uzi Rubin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Chiến lược, một trong những kiến trúc sư xây dựng hệ thống phòng chống tên lửa của Israel, cho biết: "Chúng có lợi thế là nhờ được phóng từ trên không, chúng có thể tấn công từ bất kỳ hướng nào, khiến việc phòng thủ chống lại chúng vô cùng phức tạp".
Tuy nhiên loại vũ khí này không hoàn toàn miễn nhiễm trước các hệ thống phòng không. Trong cuộc chiến tại Ukraine, tên lửa Patriot PAC-3 của Lockheed Martin đã liên tục được sử dụng để đánh chặn tên lửa Kinzhal của Nga.
Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, đã thử nghiệm với các ALBM trong Chiến tranh Lạnh. Hiện tại chỉ có Israel, Nga và Trung Quốc trang bị loại tên lửa này.
Mỹ đã thử nghiệm một loại ALBM siêu vượt âm, tên lửa AGM-183 của Lockheed Martin, tuy nhiên chương trình tên lửa này đã không nhận được đầu tư cho năm tài chính 2025. Vì sở hữu một kho vũ khí lớn gồm các tên lửa hành trình và các loại vũ khí tấn công tầm xa khác, Washington đã không thể hiện có hứng thú tới các ALBM.
Một quan chức không quân Mỹ yêu cầu giữ kín danh tính cho biết, ALBM không được sử dụng trong các nhiệm vụ của lực lượng này.
Một nhà phân tích kỹ thuật quốc phòng của Mỹ yêu cầu giữ kín danh tính cho biết SM-6 của Raytheon, một loại tên lửa phòng không được tái sử dụng cho mục đích tấn công không-đối-không và đất-đối-đất, cũng đã từng được thử nghiệm dưới dạng vũ khí chống tàu phóng từ trên không.
Nhà phân tích này cho biết trong các cuộc thử nghiệm, tên lửa này đã có thể tấn công trúng một mục tiêu nhỏ trên đất liền đại diện cho điểm chính giữa một tàu khu trục. Tuy nhiên theo phát biểu chính thức, SM-6 không được thiết kế để thực hiện các cuộc không kích không-đối-đất.
Một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp quốc phòng yêu cầu giữ kín danh tính cho biết vì ALBM đơn giản chỉ bao gồm hệ thống dẫn đường, đầu đạn và các motor tên lửa, nhiều quốc gia đang sở hữu vũ khí chính xác cao đã có thể nghiên cứu loại vũ khí này.
"Đây là một hướng thông minh sử dụng một số các công nghệ và thiết bị thông dụng và biến chúng thành một loại vũ khí mới có nhiều khả năng hơn, và từ đó mang lại cho phe sử dụng chúng nhiều lựa chọn hơn, với giá thành rẻ mạt".
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/israel-huong-su-chu-y-cua-toan-the-gioi-toi-ten-lua-dan-dao-phong-tu-tren-khong-a215920.html