Bố làm giáo viên Vật lý tại trường trung học Kỹ thuật Brooklyn, mẹ là giáo viên tiểu học, từ nhỏ Suborno Bari được làm quen với đa dạng kiến thức.
Ở tuổi lên 2, Bari khiến tất cả mọi người kinh ngạc vì có thể ghi nhớ toàn bộ bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học vốn là điều khó nhằn với học sinh THPT. Từ đây, Bari được phát hiện sở hữu năng lực đặc biệt, có thể nhớ những thông tin nghe, đọc được nhanh chóng. Bari ngày càng được nhiều người biết đến và gọi là thần đồng.
Năm lên 6 tuổi, Bari được Đại học Harvard ghi nhận năng lực trí tuệ đặc biệt, sau đó tham gia chương trình giáo dục đặc biệt dành cho thần đồng Mỹ.
7 tuổi, Suborno được một số trường đại học ở Ấn Độ mời đi diễn thuyết. Gương mặt cậu bé ngày càng trở nên quen thuộc với giới học thuật. Ở tuổi 11, nam sinh lập kỷ lục thế giới khi đạt 1.500/1.600 điểm SAT.
Nhờ khả năng vượt trội, Bari không gặp khó khăn trong quá trình đi học. Thần đồng này liên tục học vượt cấp, từ lớp 4 lên thẳng lớp 8, từ lớp 9 lên thẳng lớp 12. Điểm trung bình của Bari ở trường lúc nào cũng gần tuyệt đối.
Đầu năm lớp 12, Bari tham gia các lớp dự bị tại Đại học New York và Đại học Stony Brook. Tại đây, Bari phải hoàn thành nhiều bài tập trong thời gian ngắn, tiết học dài hơn, tài liệu học khó hơn, khác hoàn toàn khi còn học trung học. Cậu bé được các giảng viên đánh giá cao khả năng tiếp thu kiến thức.
Ở tuổi 12, Bari trở thành sinh viên đặc biệt của Đại học New York. Cậu đặt mục tiêu sẽ hoàn thành cấp đại học sớm hơn để học thẳng lên tiến sĩ.
Tại Đại học New York, Bari không học một mà tận hai chuyên ngành Toán và Vật lý cùng lúc vì cho rằng hai bộ môn khoa học này có mối quan hệ mật thiết, sẽ giúp đỡ cho nhau trong quá trình nghiên cứu.
Để có được Bari thành công như ngày hôm nay, phần lớn nhờ vào sự giáo dục đúng cách của bố mẹ. Thần đồng khẳng định, cha mẹ chính là những người nuôi dưỡng sự ham thích tìm hiểu tri thức.
Khi nổi tiếng, rất nhiều người đã tìm đến nhà để xin "bí kíp" dạy con của bố mẹ Bari. Bố của Suborno Bari - ông Rashidul đưa ra nhiều lời khuyên để các bậc phụ huynh nuôi dạy con mình.
Ông chia sẻ, trước Bari, ông bà có một cậu con trai 21 tuổi - Refath đã tốt nghiệp đại học và đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ ngành vật lý tại Đại học Brown (Mỹ). Quá trình nuôi dạy Refath giúp ông bà đúc kết nhiều kinh nghiệm khi sinh Bari.
Khi Bari trong bụng mẹ, ông Rashidul đã thường xuyên kể chuyện, đọc sách cho con nghe. Đó là cách Bari được tiếp cận với tri thức rất sớm.
Bari được bố mẹ cho phát triển tự nhiên dựa trên năng lực, không bắt ép phải học những điều không thích, luôn tôn trọng mong muốn của con. Khi thấy con trai thích học toán, bố mẹ tìm mua những cuốn sách phù hợp để con được thỏa mãn đam mê tìm hiểu toán học.
Bố mẹ cũng không bắt cậu bé phải trở thành nhân tài hay người nổi tiếng, điều này giúp quá trình lớn lên của con không áp lực.
Ban đầu khi phát hiện con có khả năng hơn người, vợ chồng ông Rashidul kết hợp để dạy Bari tại nhà nhưng đến 5 tuổi, hai phụ huynh này "bất lực" vì không còn kiến thức gì để dạy con thêm nữa. Lúc này, ông Rashidul tạo điều kiện đưa con trai tới trường đại học nhờ các giáo sư giảng dạy thêm cho con. Nhờ đó Bari ngày càng phát huy tài năng của bản thân.
Bên cạnh việc học cùng con, vợ chồng ông Rashidul còn chú ý tạo lịch sinh hoạt phù hợp để cậu bé vẫn có thể gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè tránh tình trạng bị cô lập dẫn đến trầm cảm như nhiều thần đồng khác.
Ông Rashidul cho rằng, điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi dạy con là sự đồng hành. Điều này tạo nên sợ dây gắn kết giữa bố mẹ và con, đồng thời tạo thêm động lực niềm tin cho con phát huy tài năng.