Đề xuất cho bệnh viện dùng quyền sử dụng đất
Sáng 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (dự án 1 Luật sửa 7 Luật).
Tham gia góp ý kiến về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐBQH Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, chủ trương liên doanh, liên kết trong y tế là một chủ trương rất đúng đắn, giúp cho ngành y tế có cơ hội để trang bị các trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Thức, trong thực tế vì một số vướng mắc của Luật Quản lý tài sản công mà hiện gần như hầu hết tất cả các cơ sở y tế lớn rất khó để triển khai các đề án hoặc dự án liên doanh, liên kết.
Cụ thể, ở khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định "đơn vị công lập được sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong các trường hợp: "Là tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất.
Là tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết mà không do ngân sách Nhà nước đầu tư".
Như vậy, căn cứ vào khoản 1 Điều 58 như trên thì Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa quy định dùng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết.
Thực tế trong khi ngân sách Nhà nước còn thiếu, do đó bệnh viện công lập mong muốn được liên doanh, liên kết với các đơn vị, tổ chức xây mới cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế trên khuôn viên của bệnh viện.
Ông Thức nêu, ngoài việc được sử dụng các tài sản công theo quy định của luật để đưa vào liên doanh, liên kết thì quyền sử dụng đất cũng cần thiết được pháp luật quy định trong trường hợp này để xây dựng mới cơ sở trong khuôn viên đất của bệnh viện.
"Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết, điều này làm cho các cơ sở y tế thực sự rất khó khăn trong việc làm các đề án liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh", ông Thức nói.
Từ thực tế trên, ông Thức kiến nghị đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện liên doanh, liên kết trong các đề án liên doanh, liên kết của ngành y tế.
Căn cứ vào giá trị nào để đưa vào liên doanh, liên kết?
Cũng theo ông Thức, tại điểm c khoản 3 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định "đối với tài sản là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, việc xác định giá trị thương hiệu để góp vốn liên doanh, liên kết được thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan".
Trên thực tế việc này là rất khó thực hiện, vì giá trị thương hiệu thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, theo pháp luật sở hữu trí tuệ và các pháp luật có liên quan rất khó thực thi.
Theo ông Thức, giá trị thương hiệu sẽ rất khác so với các phương pháp tính khác và lại quy định theo pháp luật có liên quan thì cũng không biết pháp luật nào.
Như vậy, trường hợp phương pháp xác định giá trị thương hiệu khác sẽ căn cứ vào giá trị nào để đưa vào liên doanh, liên kết. Từ đó, dẫn đến không minh bạch trong việc xác định giá trị thương hiệu. Đây là một vấn đề rất khó khăn, gần như không thể thực hiện trên thực tế.
Ông Thức cho hay, giá trị thương hiệu liên quan tới uy tín chuyên môn, bác sĩ, kinh nghiệm lâu năm…. nên rất khó có cơ sở để xác định giá trị thương hiệu của một bệnh viện để tính vào giá trị liên doanh, liên kết.
"Do đó, tôi đề nghị luật cần quy định cụ thể trường hợp nào được xác định, thẩm định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Trường hợp nào được sử dụng, xác định theo pháp luật về sở hữu trí tuệ….,không nên quy định nhiều hình thức và chung chung như hiện nay", ông Thức nhấn mạnh.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Anh Tuấn (Đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng cần có cơ chế tạm sử dụng cho các đơn vị đã được giao quản lý tài sản công.
Theo ông, việc xây dựng đề án sử dụng tài sản công, thẩm định, phê duyệt mất rất nhiều thời gian. Bởi, chất lượng của đề án phải xem xét rất kỹ từng tài sản công và mất vài năm mới có thể phê duyệt được với một đơn vị.
"Trong quá trình đó chúng ta không cho đơn vị được giao quản lý, sử dụng thì tài sản đó thì bị lãng phí rất nhiều", ông Tuấn nói và cho rằng cần nghiên cứu thiết kế điều, khoản để có thể tạm giao cho đơn vị phù hợp với chức năng để sử dụng, tránh lãng phí.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/thu-truong-nguyen-tri-thuc-cac-co-so-y-te-lon-kho-trien-khai-lien-doanh-lien-ket-a216154.html