Đề xuất doanh nghiệp IPO phải có kiểm toán vốn để tránh tăng ảo

Theo đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán về vốn điều lệ trong 10 năm trước khi IPO để tránh tăng ảo như trường hợp của FLC Faros.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 7/11. Ảnh: Quochoi.vn.

Ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật (Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia).

Tại nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, Chính phủ đề xuất bổ sung trong hồ sơ chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO), doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán về vốn điều lệ đã góp trong 10 năm tính tới thời điểm IPO.

Tuy vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đã không đồng tình với ý kiến này, lý do là sẽ làm phát sinh thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và có thể gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn trong trường hợp doanh nghiệp có lịch sử hình thành lâu dài…

Tránh tăng vốn ảo

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc siết lại hồ sơ chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng là cần thiết. Kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp.

Theo đại biểu, nếu vốn điều lệ không xác định được chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu tiên đến những lần mua tiếp theo. Ví dụ điển hình là Công ty xây dựng FLC Faros đã tăng vốn điều lệ từ mức 1,5 tỷ đồng ban đầu lên 4.300 tỷ đồng chỉ trong 3 năm (2014-2016), tức tăng gần 2.900 lần, gây hệ lụy lớn cho thị trường.

du luan,  sua doi,  kiem toan anh 1

Ông Nguyễn Hữu Toàn lấy dẫn chứng vụ Công ty FLC Faros và Sài Gòn - Đại Ninh đã xảy ra tình trạng tăng vốn ảo. Ảnh: Quochoi.vn.

Hay trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí qua nhiều lần "phù phép" tăng vốn doanh nghiệp lên 2.000 tỷ đồng. Cách làm này, theo ông Toàn, là bơm một số tiền nhất định vào các tài khoản, sau đó lại rút ra, bơm vào cho đến khi đạt được giá trị bằng tổng số vốn điều lệ.

"Nếu trước đây chúng ta quy định, đã không xảy ra trường hợp tăng vốn ảo như FLC Faros. Nói rằng việc kiểm toán báo cáo vốn điều lệ khiến doanh nghiệp chịu chi phí lớn là không đúng. Nó là yếu tố cần đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch", ông Nguyễn Hữu Toàn nói.

Tuy vậy, ông Toàn đề xuất Chính phủ xem xét rút ngắn thời hạn yêu cầu kiểm toán vốn xuống còn 5 năm, thay vì 10 năm như tại dự thảo luật. Việc này nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo thị trường phát triển công bằng, minh bạch.

Về ý kiến của đại biểu, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi thành lập doanh nghiệp có quyền kê khai về vốn điều lệ và tự chịu trách nhiệm về thông tin kê khai này. Chính vì vậy, có thể có doanh nghiệp mới thành lập không có tiền trong tài khoản, thậm chí không có trụ sở nhưng vốn điều lệ đăng ký lại ghi 10.000- 20.000 tỷ đồng mà không ai kiểm tra, kiểm soát.

“Vừa rồi đã xảy ra một số vụ việc và các cơ quan quản lý cũng đã có kiến nghị sửa Luật Doanh nghiệp về điều này. Về phía Luật Chứng khoán sửa đổi, chúng tôi cũng siết vấn đề này để đảm bảo tránh việc lợi dụng trên thị trường chứng khoán”, Phó thủ tướng khẳng định.

Bổ sung hành vi thao túng chứng khoán

Một nội dung khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng khoản 6 Điều 12 dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi có bổ sung vào 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Tuy vậy, nội dung được bổ sung này không có gì mới, chỉ đưa các cấu thành cơ bản của Điều 211 Bộ Luật Hình sự vào.

Trong khi đó, Bộ Luật Hình sự đã xây dựng cách đây hơn 10 năm, giờ dự thảo luật lại “lấy bổn cũ soạn lại” là không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cho rằng nhận diện hành vi bị nghiêm cấm trong thị trường chứng khoán, tránh tạo giá ảo, cung - cầu ảo nhằm đẩy giá chứng khoán là rất cần thiết. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản có cả khung pháp lý giám sát lẫn chế tài rất nặng với các hành vi này.

du luan,  sua doi,  kiem toan anh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: Quochoi.vn

Tương tự, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) kiến nghị, hiện nay việc sử dụng các công cụ, công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phức tạp. Vì vậy, cần nghiên cứu quy định tại dự thảo luật hoặc văn bản giao Chính phủ quy định, đảm bảo các quy định có khả năng bao quát được các hành vi này.

Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán như thông đồng, thiếu minh bạch, thao túng thị trường chứng khoán, không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch của người nội bộ và người có liên quan của các đối tượng này.

Tuy vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán này, quy định thời gian bắt buộc, thông tin công bố minh bạch, thông tin mở, dễ hiểu để tất cả nhà đầu tư dự định đầu tư có thông tin đầy đủ và giaoChính phủ quy định cụ thể tránh khi phát sinh thực tiễn lại tiếp tục bổ sung, sửa đổi.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/de-xuat-doanh-nghiep-ipo-phai-co-kiem-toan-von-de-tranh-tang-ao-a216191.html