Loài vật cực kỳ quý hiếm mới được phát hiện tại Việt Nam: Chỉ dài khoảng 4cm, mắt có 2 màu, sống ở độ cao trên 2.900m

Loài cóc đặc hữu mới này được nhóm nhà khoa học phát hiện tại đỉnh núi Pờ Ma Lung, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.

Một nghiên vừa được công bố trên tạp chí Zootaxa vào đầu tháng 10 cho biết các nhà nghiên cứu đến từ Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC), Bảo tàng Quốc gia Australia và Hội động vật London (ZSL), đã phát hiện một loài cóc mới, thuộc chi cóc răng, sống ở độ cao trên 2.900m tại đỉnh núi Pờ Ma Lung thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, Việt Nam.

Theo đó, trong chuyến thám hiểm tìm kiếm loài cóc răng Sterlingae (tên khoa học Oreolalax sterlingae) được ghi nhận tại Việt Nam và chỉ tìm thấy ở dãy Hoàng Liên Sơn, các chuyên gia đã vô tình tìm thấy một loài chưa được khoa học biết đến và đặt tên là Cóc răng anh em (tên khoa học Oreolalax adelphos). Đây là loài lưỡng cư Oreolalax thứ hai được tìm thấy ở Việt Nam – loài đầu tiên là cóc răng Sterling – cả hai đều được tìm thấy trên núi Po Ma Lung. Tên “ adelphos ” của nó có nghĩa là “anh em” trong tiếng Hy Lạp, thể hiện mối liên hệ giữa các loài cóc răng. 

Loài vật cực kỳ quý hiếm mới được phát hiện tại Việt Nam: Chỉ dài khoảng 4cm, mắt có 2 màu, sống ở độ cao trên 2.900m- Ảnh 1.

Ảnh: ZSL

Đúng như tên gọi của nó, loài cóc răng anh em này có một hàng răng nhỏ trên vòm miệng, được gọi là răng vomerine. Ngoài ra, chúng có chiều dài thân chưa tới 4 cm và sở hữu những đặc điểm nổi bật như có một nếp da hẹp phía sau mắt, toàn thân được bao phủ bởi các đốm đen, kem, xám, có một họa tiết đốm rõ rệt trên bụng và mống mắt hai màu khác biệt ở nửa trên và dưới.

ThS Nguyễn Thành Luân, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Việc phát hiện ra Oreolalax adelphos là một phát hiện đáng ngạc nhiên và quan trọng trong khuôn khổ Dự án bảo tồn các loài Lưỡng cư và Bò sát ở Dãy Hoàng Liên Sơn. Phát hiện này giúp chúng tôi tiến gần hơn tới những hiểu biết sâu sắc hơn về sự đa dạng của loài lưỡng cư ở các dãy núi cao của Việt Nam."

Trong khi đó, Tiến sĩ Ben Tapley, đồng tác giả của nghiên cứu và là người phụ trách bảo tồn bò sát và lưỡng cư tại Vườn thú London, cho biết: "Đây là một khám phá rất thú vị, cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái phong phú của dãy Hoàng Liên Sơn."

Hiện các chuyên gia vẫn đang thu thập thông tin xem liệu loài mới phát hiện này có bị đe dọa nghiêm trọng hay không.Chúng có thể được xếp hạng nguy cấp theo Danh lục đỏ thế giới (IUCN) nếu các nghiên cứu sâu hơn xác nhận nơi trú ẩn ở núi núi Po Ma Lung có thể khiến loài này dễ bị tổn thương.

Loài vật cực kỳ quý hiếm mới được phát hiện tại Việt Nam: Chỉ dài khoảng 4cm, mắt có 2 màu, sống ở độ cao trên 2.900m- Ảnh 2.

Ảnh: ZSL

Cũng theo trang Independent, Dãy núi Hoàng Liên Sơn của Việt Nam là nơi sinh sống của hơn 80 loài lưỡng cư. Nhiều loài trong số đó đang bị đe dọa nghiêm trọng và không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Hiện các hoạt động bảo tồn loài thông qua tăng cường công tác quản lý địa phương, nâng cao nhận thức người dân và khách du lịch về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vẫn đang được thực hiện.

(Tổng hợp Independent, ZSL,Iflscience)

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/loai-vat-cuc-ky-quy-hiem-moi-duoc-phat-hien-tai-viet-nam-chi-dai-khoang-4cm-mat-co-2-mau-song-o-do-cao-tren-2900m-a216343.html