Anh Trương sống tại một ngôi làng khá hẻo lánh ở thành phố Quảng Đức, tỉnh An Huy (Trung Quốc). Anh làm nghề nông và sau đó đã mở rộng trang trại của gia đình. Nhu cầu sử dụng nước của trang trại gia đình cũng khá lớn nên nhà anh Trương luôn trang bị máy bơm nước để dự phòng.
Tự ý lấy nước mà không xin phép
Do thời tiết khô hạn kéo dài, anh Trương đã để mắt đến nguồn nước trong ao cá do anh Từ hàng xóm quản lý. Mặc dù bình thường hai người khá thoải mái với nhau nhưng việc xin nước này không đơn giản. Hơn nữa, việc nuôi cá cũng cần rất nhiều nước.
Chính vì vậy, anh Trương không tiện trực tiếp hỏi mượn nước anh Từ. Nhưng vì cần nước gấp, anh Trương đã quyết định tự ý đến ao cá của anh Từ để lấy nước. Nghĩ vậy, anh Trương liền mang máy bơm nước của mình đến ao cá của hàng xóm để rút nước. Do ao cá cách nơi ở của anh Từ một khoảng cách nên anh không hề hay biết việc bị lấy nước. Sau hai ngày, thấy anh Từ không hỏi han gì nên anh Trương cũng không nói cho anh Từ biết chuyện mình đã rút nước.
Thế nhưng, vài ngày sau, anh Từ bất ngờ vội vã đến gõ cửa nhà anh Trương, vừa gặp mặt đã tỏ vẻ chất vấn khiến anh Trương sợ hãi, luống cuống. Hóa ra, sau khi rút nước xong, anh Trương đã không mang máy bơm về. Trong lúc đi kiểm tra ao cá, anh Từ phát hiện nước trong ao đã bị rút cạn, cá trong ao cũng bị bắt sạch, không còn một con nào. Sau đó, anh Từ phát hiện máy bơm của anh Trương vẫn đang hoạt động bên bờ ao nên đã đến nhà để hỏi cho ra nhẽ.
Chuyện này khiến anh Trương cũng hoảng sợ vì thiệt hại này rất lớn. Anh cố gắng giải thích nhưng không có tác dụng gì. Không thể tìm ra tiếng nói chung, anh Từ đã báo cảnh sát.
Sau khi điều tra, anh Trương được minh oan tội ăn trộm cá. Tuy nhiên, việc anh Trương rút nước xong không mang máy bơm đi đã tạo điều kiện cho người thứ ba lợi dụng lúc ao cạn và trộm hết cá. Hơn nữa, sau nhiều ngày, các bằng chứng liên quan tại hiện trường đã bị phá hủy gần hết, việc tìm ra kẻ trộm trở nên rất khó khăn. Anh Từ yêu cầu anh Trương phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại này.
Cá bị mất trộm, trách nhiệm thuộc về ai?
Tuy nhiên, anh Trương cảm thấy rất oan ức, cho rằng mình tuy có lỗi nhưng không phải là người trực tiếp gây ra thiệt hại. Thiệt hại của anh Từ lại lớn như vậy, anh Trương không thể gánh chịu toàn bộ. Vì vậy, mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng gay gắt, cuối cùng đã đưa nhau ra tòa. Anh Từ yêu cầu anh Trương bồi thường hơn 25.000 NDT (tương đương hơn 88 triệu đồng).
Thực tế, trong vụ việc này cả hai bên đều có phần sơ suất. Anh Từ là người thuê ao cá, mặc dù nơi ở cách ao cá một khoảng cách nhưng cũng nên thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn cho ao cá của mình. Việc anh Trương rút nước và kẻ trộm rút cạn ao cá trộm cá đều diễn ra trong nhiều ngày mà anh Từ không hề hay biết, chứng tỏ bản thân anh Từ cũng có một phần lỗi.
Tất nhiên, người trực tiếp gây ra thiệt hại trong vụ án này phải là kẻ trộm. Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định, người nào gây thiệt hại đến quyền lợi dân sự của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Kết luận cuối cùng
Trong vụ án này, anh Trương do trang trại gia đình thiếu nước nên đã nghĩ đến việc mượn nước từ ao cá của anh Từ để giải quyết tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, anh Trương đã không được sự đồng ý của anh Từ. Sau khi sử dụng nước xong, anh còn đã để máy bơm, tạo điều kiện cho người khác trộm cá. Do đó, anh Trương có lỗi về mặt chủ quan và phải chịu một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Từ.
Tuy nhiên, trong vụ án này, anh Từ không thể cung cấp số lượng và giá trị thiệt hại cụ thể của cá trong ao. Yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản hơn 25.000 NDT của anh Từ không có bằng chứng chứng minh.
Căn cứ vào sự việc, chứng cứ trong hồ sơ, mức độ lỗi của anh Trương, diện tích ao cá anh Từ thuê và thời gian thuê, tòa án đã tuyên buộc anh Trương bồi thường thiệt hại tài sản cho anh Từ 3.000 NDT (tương đương khoảng 10 triệu đồng).