Ông Phan Văn Bịt (61 tuổi; ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) là người đầu tiên tại phường Long Hưng trồng na Thái.
CLIP: Vườn na Thái sai trĩu quả của ông Phan Văn Bịt
Ông Bịt cho biết: "Năm 2014, tôi sang Bến Tre mua 260 gốc na Thái về trồng xen canh trong vườn bưởi 7.000 m2. Năm thứ 2, do chưa biết cách trồng nên năng suất không cao. Qua năm thứ 3, với 260 gốc, tôi bán được 12 tấn trái/năm, lúc ấy giá bán cho thương lái là 60.000 đồng/kg".
Thấy cây ăn trái này mang lại giá trị kinh tế cao, ông Bịt bàn với con gái mở rộng diện tích lên 10 ha với 4.000 gốc và đốn toàn bộ vườn bưởi để trồng na Thái.
Theo ông Bịt, nhiều loại trái cây thì cần dùng thuốc hóa học để kích cho cây ra hoa nhưng riêng cây na Thái không dùng cách này. Để na cho tỷ lệ đậu trái cao, khâu hỗ trợ thụ phấn là rất quan trọng.
"Khi cây ra đọt, nhiều người bón phân để cây không phát triển phần đọt, tập trung cho đậu trái thì cây sẽ ra trái. Tuy nhiên, trái sẽ không lớn, chỉ đạt 200-300 gram, trong khi na Thái đạt phải từ 500-700 gram/trái" – ông Bịt nói.
Kỹ thuật chăm sóc cây na Thái của lão nông này là trước lúc cắt cành khoảng 10 ngày thì rải phân lân. Lúc cây ra hoa, 20 ngày sau bón phân kali để nụ nhô lên. Sau đó, cần bón phân đạm, lân, kali theo tỷ lệ đồng đều để nuôi trái non. Trái được một tháng tuổi cho nhiều đạm hơn lân và kali…
Cây na Thái ít bị sâu bệnh, chủ yếu là rệp sáp hại rễ và trái. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra mặt dưới lá, phần kẽ quả, nếu thấy xuất hiện rệp cần xử lý bằng thuốc ngay. Mặc dù cây na cho trái sai nhưng ông Bịt chỉ để từ 70-80 trái/cây để trái đạt trọng lượng như mong muốn.
Na Thái luôn có giá bán cao, dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg, có lúc thấp điểm cũng ở mức 30.000 đồng/kg. Gia đình làm không xuể nên ông Bịt phải thuê 7 lao động địa phương để chăm sóc với chi phí từ 300.000-400.000 đồng/người/ngày.
"Na Thái có hương thơm, vị béo, ngọt thanh, ít hạt, rất được thị trường Hà Nội và TP HCM ưa chuộng. Hiện tại 1 ha thu hoạch được 2,5 tấn trái. Với diện tích và sản lượng lớn, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 4 tỉ đồng/năm" – ông Bịt tiết lộ.
Theo ông Nguyễn Văn.Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, mô hình trồng na Thái của ông Bịt rất hiệu quả, giá cả luôn ổn định nên mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, địa phương đã nhân rộng mô hình này bằng việc thành lập tổ hợp tác trồng na Thái với diện tích 16 ha.