Chỉ có ở gen Z: Xin nghỉ phép đột xuất vì tắc đường, 'bạn gái em sinh nhật'

Thay vì bịa lý do "nhà có việc gấp", nhân viên gen Z không ngại xin nghỉ phép đột xuất vì mệt cần nghỉ ngơi, có khi vì những lý do "trời ơi"như sinh nhật bạn gái.

Nếu như người lao động gen X (sinh năm 1965- 1980) và gen Y (sinh năm 1981 - 1996) thường rất ngại khi xin nghỉ phép dù có lý do chính đáng, sợ bị đánh giá là thiếu tận tụy với công việc thì gen Z lại dễ dàng đưa ra đề nghị này dù lý do xin nghỉ trong mắt lãnh đạo có thể rất "trời ơi đất hỡi".

Tắc đường, gọi điện xin nghỉ phép

8h, Mai Chi (25 tuổi, Hà Nội, làm trợ lý) đang đi xe máy lên công ty cách nhà khoảng 13km thì trời bỗng đổ cơn mưa to. Nhìn cảnh xe cộ tắc nghẽn kéo dài nhìn không thấy điểm cuối, dù còn 3 cái báo cáo phải hoàn thành, cô vẫn quyết định nhắn tin cho sếp xin nghỉ làm rồi tìm một quán cà phê ổn nhất và gần nhất để ngồi.

“Trời mưa như vậy, tôi lên đến chỗ làm sẽ ướt nhẹp, lại còn bị trừ lương vì muộn giờ. Công ty không cho làm việc từ xa nên giải pháp xin nghỉ phép là hợp lý nhất. Ngày phép còn thừa tội gì không dùng hết, quyền lợi của mình mà. Không chỉ lúc mưa gió tắc đường, mỗi khi thấy ngột ngạt, quá tải trong công việc, tôi thường xin nghỉ, thay đổi môi trường để chạy deadline hiệu quả hơn”, Mai Chi chia sẻ thêm.

Chỉ có ở gen Z: Xin nghỉ phép đột xuất vì tắc đường, 'bạn gái em sinh nhật'- Ảnh 1.

Thuộc thế hệ Z, Mai Chi luôn xem trọng sự cân bằng trong công việc và sức khỏe. (Ảnh: NVCC)

Nếu như người lao động gen X (sinh năm 1965- 1980) và gen Y (sinh năm 1981 - 1996) thường rất ngại khi xin nghỉ phép dù có lý do chính đáng, sợ bị đánh giá là thiếu tận tụy với công việc thì gen Z lại dễ dàng đưa ra đề nghị này dù lý do xin nghỉ trong mắt lãnh đạo có thể rất "trời ơi đất hỡi".

Hồi tháng 4, cô nhân viên Thảo Nguyên, sinh năm 2000 từng khiến người quản lý sửng sốt khi xin nghỉ phép để... đi chụp ảnh hoa loa kèn kẻo hết mùa. Thấy vẻ không hài lòng của cấp trên, mấy đồng nghiệp sau đó rỉ tai cô, bảo lần sau nên tìm lý do hợp lý hơn như nhà có việc chẳng hạn.

Thảo Nguyên trả lời: " Em còn cả đống ngày phép chưa sử dụng, cũng xin sếp đúng thời hạn mà, sao lại phải nói dối? Lý do xin nghỉ phép là để chụp ảnh đu trend thì có gì không chính đáng chứ ạ? Đó là chăm sóc sức khỏe tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống ".

Thảo Nguyên nói, nếu như thế hệ cha anh đánh giá cao việc hy sinh cuộc sống cá nhân để tập trung tối đa cho công việc, có xu hướng xem nhẹ nhu cầu bản thân thì gen Z như cô đòi hỏi sự cân bằng giữa công việc với hưởng thụ cuộc sống, tình yêu, các mối quan hệ xã hội, cũng như đòi hỏi sự bình đẳng trong quan hệ người lao động - người sử dụng lao động.

"Em không hiểu tại sao nhiều cô chú 7x, nhiều anh chị 9x xin nghỉ phép mà cứ cảm thấy như mình mắc lỗi, muốn nghỉ một bữa để chơi cho thoải mái nhưng cứ phải nói với sếp là nhà có việc quan trọng. Bọn em không thế, nghỉ để chơi cũng chẳng có gì sai", Thảo Nguyên nói, cho biết với gen Z, việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân được đặt ở vị trí ưu tiên không kém công việc.

Đùng một cái xin nghỉ vì "bạn gái em sinh nhật"

Gen Z không vì công việc mà hy sinh cuộc sống cá nhân, điều đó được nhiều người thế hệ trước ủng hộ. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ mới bước chân vào môi trường công sở lại chỉ nhớ đến nhu cầu bản thân mà quên mất kỷ luật công việc, đưa ra lý do xin nghỉ đột xuất "hết sức hồn nhiên nhưng không dễ thương".

Chẳng hạn mới đây, Văn Thành (23 tuổi, Hà Nội, thiết kế đồ họa) khiến sếp "đứng hình" khi xin nghỉ vào hôm sau với lý do "bạn gái em sinh nhật".

Nhân viên trẻ này mới vào công ty được 2 tháng, chưa ký hợp đồng chính thức nên chưa có chế độ nghỉ phép. Nghe thế, Thành nói luôn là "em chấp nhận trừ ngày công". Anh chàng ngáo ngơ không biết mình sai ở đâu khi thấy sếp sầm mặt.

Cuối cùng, chị quản lý cũng hít thở sâu và kiên nhẫn giảng giải về chế độ nghỉ, về việc muốn xin nghỉ phải báo trước bao nhiêu ngày, về ảnh hưởng đối với công việc của nhóm... Chàng trai sinh năm 2021 rốt cuộc cũng "nghe thủng" và rút lại đề nghị, chỉ mừng sinh nhật người yêu vào buổi tối thay vì đi chơi cả ngày. "Năm sau em sẽ rút kinh nghiệm, xin nghỉ trước cả chục ngày luôn để không ảnh hưởng đến nhóm" , Thành nói.

Không muốn kiệt sức vì công việc

Mỹ Hồng (26 tuổi, TP.HCM, nhân viên kinh doanh) vừa trải qua một khoảng thời gian khủng hoảng hơn một tháng trời. Chiến dịch bán hàng chạy đua với thời gian, tổ chức sự kiện lớn nhỏ, đầu việc rối ren, tăng ca liên tục, cô cảm thấy mình hết sạch năng lượng sau đợt “vượt ngàn chông gai" vừa rồi.

Sắp xếp lại bàn làm việc cho gọn gàng, cô trao đổi với quản lý trực tiếp rằng mình cần nghỉ phép. Cơ chế của công ty chỉ cho nghỉ tối đa 3 ngày liên tục, nhưng cô vẫn xin nghỉ nguyên tuần chỉ để ở nhà ngủ và nghỉ ngơi

“Tôi không muốn đi lên công ty khi bị bản thân không có được năng lượng tốt. Điều này vừa gây hại sức khỏe vừa ảnh hưởng đến năng suất lao động và hiệu quả chung. Vậy nên, tôi quyết định nghỉ phép đủ dài để tái tạo năng lượng của bản thân, sau đó mới có thể tiếp tục làm việc năng suất cao", Mỹ Hồng nói.

Nhiều lao động gen Z khác cũng không ngại xin nghỉ phép chỉ để "nằm chơi, nghe nhạc" nhằm tái tạo năng lượng, cho biết họ không để mình lâm vào tình trạng kiệt sức kéo dài vì chỉ biết lao đầu vào công việc quanh năm suốt tháng.

Anh Đoàn Thanh Tùng, 33 tuổi, Giám đốc Doanh nghiệp Xã hội Hải Đăng, một công ty vừa và nhỏ thành lập cách đây 7 năm, cho biết anh tuyển dụng nhiều nhân viên trẻ thuộc thế hệ Z. Anh nhận xét: “Các bạn gen Z thường chú ý đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn, buổi sáng ngủ dậy cảm thấy tâm trạng không tốt là có thể nhắn tin rằng em mệt, xin nghỉ phép cả ngày hôm đó để lấy lại cân bằng. Tôi cũng sẽ tạo điều kiện nếu chuyện xin nghỉ đột xuất chỉ diễn ra một vài lần, còn nếu thường xuyên thì không được, phải đảm bảo quy định công ty".

Chỉ có ở gen Z: Xin nghỉ phép đột xuất vì tắc đường, 'bạn gái em sinh nhật'- Ảnh 2.

Anh Đoàn Thanh Tùng tuyển . (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về cách làm việc hiệu quả với lao động gen Z, anh Đoàn Thanh Tùng coi trọng giải pháp tổ chức các buổi nói chuyện thẳng thắn hai bên biết về nhu cầu của nhau. Theo vị giám đốc này, hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp không thể quản lý nhân sự theo kiểu cứng nhắc mà cần quan tâm đến đời sống, suy nghĩ của nhân viên để thay đổi mình.

“Nhiều thời điểm công việc quá gấp, áp lực lớn hoặc khối lượng đầu việc quá nhiều, các bạn chia sẻ rằng bản thân bị sức ép về tâm lý, mệt mỏi, khi đó công ty sẽ có những điều chỉnh để đảm bảo sức khỏe của họ cũng như hiệu suất trong công việc. Còn với những bạn thay đổi định hướng hoặc không đáp ứng đủ thời gian cho công việc, công ty sẽ áp dụng các quy định đã ký kết từ trước để nhắc nhở”, anh Tùng nói thêm.

Theo báo cáo về thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt do Anphabe công bố vào cuối năm 2023, trên thị trường lao động, nhân lực đang ngày càng trẻ hóa khi Gen Z chiếm khoảng 30% và sẽ tăng lên nhanh chóng từ năm 2025. Có đến 75% số người đi làm thừa nhận họ cảm thấy "xung đột thế hệ" với gen Z tại nơi làm việc.


Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/chi-co-o-gen-z-xin-nghi-phep-dot-xuat-vi-tac-duong-ban-gai-em-sinh-nhat-a216510.html