'Chính sách ông Trump là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa xuất khẩu'

Chuyên gia dự báo trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump, số thu từ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng bởi các doanh nghiệp tìm kiếm lựa chọn thay thế Trung Quốc.

Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Ảnh: Nam Khánh.

Việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 cùng với những chính sách cam kết thực hiện để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ (tập trung chủ yếu vào việc giảm thuế trong nước và tăng thuế nhập khẩu) dự báo mang đến nhiều biến động tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 9 năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt giá trị 89,4 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cùng giai đoạn và tăng 27% so với cùng kỳ.

Ngược lại, Mỹ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,9 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 6%. Như vậy, sau 9 tháng, thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Với vai trò là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng việc ông Trump đắc cử tổng thống lần 2 sẽ mang đến nhiều tác động quan trọng đối với lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng thế mạnh hiện nay như thép, dệt may, thủy sản, gỗ…

Doanh thu xuất khẩu dự báo tăng

Với chính sách thuế quan mà ông Trump dự kiến thực hiện, Tiến sĩ Haji Suleman Ali, giảng viên Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, đánh giá sẽ tác động đến hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, hiện có tổng kim ngạch hơn 3.000 tỷ USD.

Với riêng Việt Nam, tác động có thể bao gồm cả hai chiều, đặc biệt trong chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tín hiệu tích cực là sự chuyển dịch thương mại toàn cầu do các chính sách thuế quan gây ra có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, hiện đạt kim ngạch khoảng 89 tỷ USD tính trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế ngoài Trung Quốc. Điều này giúp doanh thu tài khóa từ các hoạt động liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam gia tăng.

Nếu phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Việt Nam có thể đối mặt với áp lực tiền tệ để duy trì sức cạnh tranh của tiền Đồng, vì nhu cầu cao hơn có thể dẫn đến việc tăng giá tiền tệ

Tiến sĩ Haji Suleman Ali, giảng viên Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam

Nguồn thu gia tăng này có thể tạo điều kiện cho Chính phủ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công, nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất ngày càng tăng.

Tuy nhiên, nếu phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Việt Nam có thể đối mặt với áp lực tiền tệ để duy trì sức cạnh tranh của tiền Đồng, vì nhu cầu cao hơn có thể dẫn đến việc tăng giá tiền tệ.

Điều này sẽ làm phức tạp chủ trương chính sách tiền tệ mở rộng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và có khả năng buộc nhà điều hành phải tăng lãi suất để kiềm chế rủi ro lạm phát liên quan đến nhu cầu đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tăng.

Tỷ giá có thể tạo mặt bằng mới

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hưng, chuyên gia phân tích, giảng viên Học viện New World Education nhận định các chính sách của ông Trump có thể tác động lên lĩnh vực thương mại đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Economist Intelligent Unit, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đối tác chịu tác động khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Ông Hưng cho rằng các chính sách thuế quan chính quyền ông Trump dự kiến thực hiện cũng sẽ tác động đến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác như châu Âu, Australia, khu vực Trung Đông…

Đánh giá tác động với cặp tỷ giá USD/VND, ông Hưng dự báo thời gian tới tỷ giá có thể xác lập một mặt bằng cao mới. Điều này sẽ tác động tới lĩnh vực nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có phát sinh doanh thu bằng USD sẽ được hưởng lợi.

Về chính sách quản lý, Tiến sĩ Haji Suleman Ali nhận định trong ngắn hạn Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện các biện pháp ổn định tiền Đồng, chẳng hạn như can thiệp chiến lược vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn tình trạng tăng giá quá mức và duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Nhà điều hành cũng có thể cung cấp ưu đãi thuế tạm thời hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm bù đắp cho mức gia tăng chi phí mà biến động tỷ giá hối đoái và giá nhập khẩu tăng có thể gây ra.

“Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có thể triển khai nhanh chóng các chương trình đa dạng hóa xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khám phá các thị trường mới bên ngoài Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và giảm thiểu rủi ro về chính sách”, vị chuyên gia đưa khuyến nghị thêm.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/chinh-sach-ong-trump-la-co-hoi-de-viet-nam-da-dang-hoa-xuat-khau-a216515.html