1. Tại sao khi ăn dưa chuột phải chà xát 2 đầu?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, dưa chuột đắng không phải do tồn dư hóa chất mà là cơ chế tự bảo vệ của dưa chuột để tránh côn trùng xâm hại. Đây là chất nhựa đắng, thường ở phần đầu và đuôi dưa chuột. Chất nhựa này là cucurbitacin, được tiết ra với liều lượng nhỏ nên không gây hại. Khi ăn bạn chỉ cần cắt đầu và đuôi, sau đó chà nhẹ theo hình vòng tròn để loại bỏ chất nhựa. Trường hợp cả quả dưa chuột bị đắng thì nên loại bỏ.
2. Không nên ăn dưa chuột cùng thực phẩm nào
Theo bác sĩ Hà Vũ Thành, khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), không ăn dưa chuột với các hoa quả giàu vitamin C như cà chua, cam quýt, vì các men phân giải của dưa chuột làm giảm hấp thu vitamin C từ các thực phẩm trên. Không ăn dưa chuột khi héo, bị đắng vì các độc tố này có thể gây ngộ độc cho cơ thể.
Bạn không nên ăn quá nhiều dưa chuột vì gây đầy bụng, khó tiêu. Những người mắc bệnh về thận cần hạn chế sử dụng dưa chuột vì nếu dư lượng kali sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến thận và đồng thời ảnh hưởng tim mạch.
3. Thành phần nước trong dưa chuột chiếm bao nhiêu %?
Theo bác sĩ Hà Vũ Thành, dưa chuột hay dưa leo là loại quả phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dưa chuột có 95% thành phần là nước. Đây là nguồn dinh dưỡng giúp cơ thể giải độc, thanh nhiệt nhất là mùa nóng, giúp giảm triệu chứng ợ nóng, phục hồi thị giác. Bạn có thể đắp dưa chuột lên mắt giảm bọng mắt, giúp mắt khỏe hơn, giảm tình trạng khô mắt. Dưa chuột thực phẩm đầu bảng trong thực đơn giảm cân của tất cả mọi người.