6 loại rau vừa nấu canh ăn hàng ngày vừa làm thuốc chữa bệnh

Những loại rau quen thuộc là rau muống, rau ngót đều là những loại dược liệu trong Đông y.

Báo VietNamNet dẫn nguồn cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi cung cấp thông tin về hàng trăm cây thuốc. Trong đó một số loại cũng là rau nấu canh quen thuộc của người dân như rau ngót, rau muống, rau đay, mồng tơi, rau dền, cải cúc.

Rau ngót

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSNT Phan Bích Hằng - khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội cho biết, theo Y học cổ truyền, rau ngót vị ngọt thanh, tính mát, do đó thường được sử dụng để thanh nhiệt, giải độc và làm mát cơ thể, đặc biệt là trong những ngày oi nóng.

Trong y học cổ truyền, việc sử dụng rau ngót trong các bài thuốc hoặc món ăn hằng ngày có thể giúp giảm các triệu chứng như sốt, khát nước, và cảm giác nóng trong người. Bên cạnh đó, rau ngót giúp lợi tiểu, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể qua đường tiểu.

Với vị ngọt, tính mát, và giàu dinh dưỡng, rau ngót không chỉ là loại thực phẩm ngon miệng mà còn có nhiều tác dụng dược lý trong y học cổ truyền.

Rau ngót chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như protein, chất xơ, vitamin C, vitamin K, canxi và sắt. Đặc biệt, hàm lượng protein trong rau ngót cao hơn nhiều so với các loại rau xanh khác, là nguồn cung cấp axit amin thiết yếu cho cơ thể. Nguồn vitamin C trong lá rau ngót thậm chí cao hơn nhiều so với cam hoặc ổi, do đó rau ngót được các nhà khoa học biết đến như một nguồn cung cấp vitamin C rất cao.

6 loại rau vừa nấu canh ăn hàng ngày vừa làm thuốc chữa bệnh- Ảnh 1.

Rau đay và rau ngót là hai loại rau tốt cho sức khoẻ

Rau muống

Báo Tuổi trẻ dẫn lời bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, trường Đại học Y Dược (TP.HCM) - cho biết rau muống có thành phần hóa học gồm: 92% nước, 3,2% protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloza.

Ngoài ra rau muống còn có hàm lượng muối khoáng rất cao, trong đó tới 100mg% canxi, 37mg% P, 1,4mg% Fe. Các vitamin gồm Carotene, C, B1, PP, B2, nhiều chất nhầy.

Theo y học cổ truyền, rau muống vị ngọt, tính hơi hàn, công dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể (nấm độc, sắn độc…).

Do có nhiều chất xơ nên rau muống hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, giúp hạn chế những rắc rối có liên quan đến đường tiêu hóa. Chúng giúp nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón. Tuy nhiên, thực phẩm này không tốt cho tiêu hóa trong trường hợp sử dụng rau không hợp vệ sinh.

Rau đay

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các loại rau như rau đay, rau dền, rau ngót là những loại có giá trị dinh dưỡng cao, đồng đều về hàm lượng caroten, vitamin C (179 - 64 - 52mg%), hàm lượng sắt (2,8 - 2,5 - 2,1mg%), giàu các muối khoáng, vi khoáng, lượng protein cao gấp 3 - 5 lần các loại rau khác (3 - 6 g%).

Ngoài những lợi ích phổ biến của rau đay mà nhiều người biết như hỗ trợ trị táo bón, giúp nhuận tràng, lợi tiểu, lợi sữa, thanh nhiệt giải độc thì rau đay còn có những "bí mật". Theo BS Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y, rau đay đứng trong top đầu các loại rau chứa nhiều canxi (đứng hàng thứ 4 trong các loại rau dùng để ăn), sắt (đứng hàng thứ 1), beta caroten (đứng hàng thứ 4), vitamin C (đứng hàng thứ 3).

Rau đay ít calo và chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, bao gồm vitamin A và C, riboflavin, folate và sắt. Rau đay khi nấu chín cung cấp hàm lượng vitamin và khoáng chất cao hơn.

Ngoài công dụng ẩm thực, lá đay còn được sử dụng cho mục đích y học trong chữa bệnh Ayurveda trong nhiều thế kỷ.

Mồng tơi

Mồng tơi còn gọi là lạc quỳ, thuộc họ mồng tơi. Đây là cây dây leo, mọc cuốn có nguồn gốc ở các nước nhiệt đới châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, cây này mọc hoang hoặc được trồng ở hàng rào để lấy rau ăn. Người dân hái thân và lá mồng tơi vào mùa hạ và thu.

Trong mồng tơi có vitamin A, B3, chất nhầy, sắt. Sách cổ ghi nhận rau có tính hàn, lợi tiểu, chữa táo bón cho trẻ nhỏ, phụ nữ đẻ khó. Tại Trung Quốc có nơi dùng rau mồng tơi để giải độc.

Rau dền

Rau dền có nhiều loại với màu sắc khác nhau như dền cơm, dền gai, dền đỏ, thuộc họ na. Cây mọc phổ biến ở nhiều tỉnh có thể dùng lá nấu canh, lá và vỏ làm thuốc. Người dân dùng vỏ cây sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, thiếu máu, lá cây sắc uống chữa đau nhức tê thấp, vỏ cây tán bột hoặc ngâm rượu chữa sốt rét, làm thuốc bổ.

Rau cải cúc

Cải cúc còn gọi là rau cúc, tần ô, đồng hao, thuộc họ cúc. Cây được trồng khắp nơi chủ yếu làm rau ăn, số ít làm thuốc (dùng tươi hoặc phơi khô trong mát). Người ta cho rằng cây có nguồn gốc châu Âu và phía bắc châu Á.

Trong cải cúc có tinh dầu thơm, nhiều vitamin B, lượng trung bình vitamin C, có thể dùng trong bài thuốc trị ho lâu ngày, đau mắt, nhức đầu kinh niên, thổ huyết.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/6-loai-rau-vua-nau-canh-an-hang-ngay-vua-lam-thuoc-chua-benh-a216734.html