Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội. Nghị định áp dụng đối với các đối tượng gồm:
- Cán bộ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức mà không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở xã, phường, thị trấn.
- Cán bộ được bầu giữ chức danh ủy viên chuyên trách ủy ban kiểm tra Đảng các cấp (từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương).
- Công chức giữ chức vụ bổ nhiệm có thời hạn (không phải chức vụ bầu cử), nhưng được cơ cấu cấp ủy các cấp hoặc đồng thời giữ chức vụ chuyên trách (do bầu cử) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, nay thôi tái cử vì tuổi, bản thân có nguyện vọng nghỉ công tác và được cấp có thẩm quyền đồng ý.
- Cán bộ đủ điều kiện tái cử ở Đại hội Đảng bộ các cấp, nhưng không đủ tuổi tái cử HĐND, UBND cùng cấp hoặc còn thời gian công tác từ dưới 60 tháng thì đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng vì sắp xếp nhân sự cấp ủy, bản thân có nguyện vọng nghỉ công tác và được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Theo đề xuất của dự thảo Nghị định, các đối tượng nêu trên có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Đồng thời, được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi (so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11- 2020 của Chính phủ) và được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho tổng số 15 năm đầu công tác, có đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp nửa tháng tiền lương.
Ngoài ra, đối với cán bộ xếp lương chức vụ, nếu đã xếp lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm đủ 48 tháng thì được xếp lên bậc 2 của chức danh hiện đảm nhiệm để nghỉ hưu. Đối với cán bộ xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà chưa xếp bậc lương cuối cùng ở ngạch hiện giữ và còn thiếu từ 1 đến 12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng bậc lương trước thời hạn để nghỉ hưu;
Cán bộ đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch hiện giữ, đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thì được nâng ngạch không qua thi lên ngạch trên liền kề để nghỉ hưu.
Tiền lương bình quân để tính trợ cấp được xác định bằng bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu, bao gồm: Mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).
Thời gian công tác tính hưởng trợ cấp là tổng thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ BHXH một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ. Nếu tổng thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ từ 1 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm.