Người đan sọt thành mãnh tướng bách chiến bách thắng, ông là ai?

Xuất thân nhà nông, phải đan sọt để kiếm sống, ông trở thành một danh tướng chưa bao giờ thất bại trong các trận chiến.

Người được nhắc đến chính là danh tướng Phạm Ngũ Lão.

Theo cuốn Danh nhân Việt Nam , Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên), từ nhỏ đã nổi tiếng vì chí khí khác thường.

Ở làng có người tên Bùi Công Tiến đỗ tiến sỹ, tổ chức ăn khao, cả làng kéo đến, riêng Phạm Ngũ Lão thì không. Người mẹ hỏi con sao không đến thì ông thưa: "Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông. Con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm".

Một lần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đưa quân đi tập trận qua làng Phù Ủng. Khi đó Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt bên đường, mải nghĩ về cuốn binh thư nên không biết quan quân đến. Lính dùng giáo xuyên vào đùi ông, nhưng ông vẫn không có phản ứng gì.

Hưng Đạo Vương thấy lạ liền hỏi chuyện và sai người lấy thuốc đắp vết thương cho ông. Chàng trai nói mình không biết quan quân đi qua vì đang mải suy nghĩ vì binh thư, sau đó trước mọi câu hỏi về việc binh, Phạm Ngũ Lão đều trả lời rành mạch. Hưng Đạo Vương biết đã gặp được người tài, liền chiêu mộ về dưới trướng mình.

Người đan sọt thành mãnh tướng bách chiến bách thắng, ông là ai?- Ảnh 1.

Phạm Ngũ Lão từ chàng trai đan sọt thành mãnh tướng bách chiến bách thắng. (Ảnh minh hoạ).

Được rèn cặp dưới trướng Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão trưởng thành, phát huy được các sở trường và trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất, lập được nhiều chiến công.

Năm 1285, khi giặc Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, trấn giữ vùng Ải Bắc, đã đem quân phối hợp với các cánh quân của Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đánh cho giặc đại bại ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, chém đầu Toa Đô và khiến chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải bạt vía.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1287), có lần Phạm Ngũ Lão được giao nhiệm vụ chặn đánh giặc ở ải Nội Bàng nhằm tiêu diệt đội quân địch do Thoát Hoan cầm đầu trên đường rút chạy. Thoát Hoan tham sống sợ chết luôn tìm cách đẩy cho thuộc hạ đi đối đầu với Phạm Ngũ Lão, còn mình định thoát thân bằng hướng khác.

Phạm Ngũ Lão đoán trước điều đó nên chia quân mai phục hết các ngả đường tắt sang biên giới, khiến tiền quân của Thoát Hoan bị đánh úp bất ngờ, còn hậu quân bị chặn không tiến được. Quân Thoát Hoan đi tới đâu cũng vấp phải phục binh của Đại Việt và bị tiêu diệt gần hết. Chủ tướng phải trà trộn vào đám tàn quân mới thoát về nước và không dám đặt chân đến Đại Việt thêm lần nào nữa.

Những năm sau đó, Phạm Ngũ Lão còn được triều đình giao chỉ huy nhiều trận đánh. Ông nhiều lần dẫn quân trừng phạt sự xâm chiếm của Ai Lao và Chiêm Thành. Trận nào ông cũng giành chiến thắng nên được gọi là vị tướng bách chiến bách thắng.

Không chỉ giỏi đánh trận, Phạm Ngũ Lão còn là nhà thơ. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: "Phạm Ngũ Lão thích đọc sách ngâm thơ, là người phóng khoáng, có chí làm việc lớn". Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng tướng Quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng Quốc công Hưng Đạo Đại Vương).

Năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất ở Thăng Long, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông thương tiếc nghỉ chầu 5 ngày. Người làng Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của Phạm Ngũ Lão.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/nguoi-dan-sot-thanh-manh-tuong-bach-chien-bach-thang-ong-la-ai-a217130.html