Vùng trồng đào cảnh lớn nhất Hải Phòng tan hoang trước Tết

Thay vì chuẩn bị tuốt lá để ra cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán 2025, đa phần người trồng đào cảnh ở xã Đặng Cương, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng, đang ngậm ngùi làm đất để chuẩn bị trồng thay thế những cây đã chết.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chị Hoàng Thị Hương, ở xóm 1 thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng, dậy sớm ra cánh đồng Bàn Tai và Mả Mây để chăm sóc hơn 30 cây đào còn sót lại sau bão Yagi và mưa lụt kéo dài sau bão.

Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Hương cho biết, 2 thửa ruộng trồng đào của gia đình chị rộng hơn 4 sào với 200 gốc đào ghép và 100 gốc đào bonsai. Trước khi bão Yagi đổ bộ, cây sinh trưởng và phát triển tốt hứa hẹn một vụ đào Tết bội thu.

Vùng trồng đào cảnh lớn nhất Hải Phòng tan hoang trước Tết- Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Hương, ở xóm 1 thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng, chăm sóc những cây đào cảnh còn sót lại sau bão Yagi (Ảnh: Thái Phan).

"Khi bão qua, 30% số gốc đào của gia đình tôi bị gió quật đổ hoặc làm long gốc. Tiếp đó, đợt mưa lụt kéo dài cả tuần, 60% số cây khác bị chết khô. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 10% số cây sống sót.

Tuy nhiên, số cây còn sống sót này cũng khó cho hoa và ra hoa đều như mọi năm do bị ảnh hưởng của gió bão và mưa lụt. Ước tính vụ đào Tết Nguyên đán Ất Tỵ này, gia đình tôi thiệt hại khoảng 500 triệu đồng", chị Hương than thở.

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề, nhưng gia đình chị Hương vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ trồng đào cảnh ở xã Đặng Cương - vùng đào cảnh lớn nhất và nổi tiếng nhất của Tp.Hải Phòng. Bởi tại đây, có nhiều gia đình hoàn toàn mất trắng, trong đó có gia đình anh Đỗ Văn Phận, cùng thôn Hòa Nhất.

Anh Phận cho biết, sau khi bão Yagi qua, mưa lớn kéo dài khiến thửa ruộng hơn 3 sào của gia đình với 150 gốc đào đá ngập sâu trong nước tới cả nửa mét suốt gần 1 tuần lễ. Khi ra thăm ruộng, vợ chồng anh chỉ biết nhìn nhau nước mắt chảy dài bởi không thể cứu được cây.

Vùng trồng đào cảnh lớn nhất Hải Phòng tan hoang trước Tết- Ảnh 2.

Nhiều ruộng đào cảnh chết trắng mà chủ ruộng vẫn chưa dọn dẹp (Ảnh: Thái Phan).

Khi đó, không chỉ có ruộng của gia đình anh Phận, mà khắp cánh đồng Bàn Tai nổi tiếng với cây đào cảnh, trắng xóa màu nước. Một vài gia đình có bờ bao dùng máy bơm bơm nước ra ngoài để cứu cây, nhưng bơm đến đâu, nước tràn vào đến đó.

Mất trắng 150 gốc đào đồng nghĩa với việc vợ chồng anh Phận sẽ không có khoản thu nhập dự kiến khoảng 600 triệu dịp Tết Nguyên đán 2025. Càng đáng lo hơn nữa, việc trồng lại rất khó khăn bởi nguồn cung gốc cây truyền thống ở khu vực 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu cũng đang trong tình trạng cạn kiệt.

"Tôi làm nghề trồng đào cảnh gần 30 năm nay, nhiều lần chịu cảnh gió bão và mưa lụt, nhưng chưa bao giờ khủng khiếp như lần này. Những lần trước, nhiều lắm cũng chỉ chết 5 - 10 cây. Còn chết cả vườn đào như thế này, không bao giờ tôi có thể mường tượng được", anh Phận ngậm ngùi.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng, cho biết, xã Đặng Cương có diện tích trồng đào lớn nhất thành phố (khoảng 80 ha), chủ yếu tập trung tại các cánh đồng thuộc 3 thôn: Hòa Nhất, Dân Hạnh và Tự Lập thuộc Làng nghề truyền thống trồng hoa và cây cảnh Đồng Dụ. Vụ đào Tết Nguyên đán 2024, cây đào cảnh đem lại cho các hộ trồng đào ở Đặng Cương khoản thu nhập lên tới hơn 60 tỷ đồng.

Vùng trồng đào cảnh lớn nhất Hải Phòng tan hoang trước Tết- Ảnh 3.

Ruộng đào của anh Đỗ Văn Phận, cùng thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng, chỉ còn trơ đất trắng (Ảnh: Thái Phan).

Bão Yagi và mưa lụt sau bão khiến 60 ha trồng đào của xã Đặng Cương mất trắng, thiệt hại ước tính hơn 150 tỷ đồng. Trong số khoảng 20 ha còn lại mới chỉ giữ được cây còn sống. Theo những người trồng đào có kinh nghiệm, chỉ một phần diện tích này có thể ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Hải Phòng: Người dân “ngóng” khoản vay ưu đãi khắc phục hậu quả của bão

Ngay sau bão, thực hiện chỉ đạo của Tp.Hải Phòng và huyện An Dương, UBND xã Đặng Cương thống kê thiệt hại trên địa bàn nói chung, thiệt hại của người trồng đào nói riêng để đề xuất hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, số hỗ trợ không thấm vào đâu so với thiệt hại của các hộ trồng đào.

Ngoài ra, UBND xã Đặng Cương cũng hoàn thiện và báo cáo UBND huyện An Dương hồ sơ đề nghị khoản hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam đối với thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.

"UBND xã Đặng Cương mong muốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét, hỗ trợ các khoản vay lãi suất ưu đãi, giãn hoãn nợ giúp các hộ bị thiệt hại nói chung, các hộ trồng đào cảnh nói riêng, sớm khôi phục và ổn định sản xuất", ông Nguyễn Quốc Anh bày tỏ.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/vung-trong-dao-canh-lon-nhat-hai-phong-tan-hoang-truoc-tet-a217189.html