Lý do ngành lúa gạo Việt Nam 'tự đánh mất' 5 tỷ USD/năm

“Gạo sẽ là mặt hàng ngày càng khan hiếm trên toàn cầu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cực đoan mà khả năng phục hồi của nhiều quốc gia là không thể. Nếu cứ để ngành hàng lúa gạo sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỷ USD.” - ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho hay.

Lúa gạo nhất nhì thế giới nhưng giá trị thấp

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững” vừa diễn ra ở Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình cho biết trong chuỗi lúa gạo bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải đầu tư vốn vay dài hạn (7-10 năm). Thời gian này để xây dựng và lắp đặt máy móc, cung cấp dịch vụ cho vùng liên kết, xay xát, chế biến, đóng gói…

Vốn vay ngắn hạn để thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân khi thu hoạch, nếu không sẽ không sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo được. Trường hợp không vay được vốn dài hạn mà các DN vẫn hoạt động được thì chỉ “giật gấu vá vai”, lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các DN trong ngành gạo không tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Về nguồn vốn vay để đầu tư thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, theo tính toán của ông Bình, vốn vay dài hạn để đầu tư xây dựng và lắp đặt máy sấy lúa tươi ở mức 14.900 tỷ đồng; vốn vay trung và dài hạn để xây dựng và lắp đặt silo chứa lúa khô là 18.200 tỷ đồng; vốn vay dài hạn để xây dựng và lắp đặt (bổ sung) các hạng mục cơ giới hóa đồng bộ, xay xát, chế biến, chế biến sâu, đóng gói các sản phẩm… khoảng 15.000 tỷ đồng.

“Cộng 3 khoản trên khoảng 48.100 tỷ đồng. Con số này ngân hàng cho vay rải ra theo tiến độ thực hiện trong vòng 7 năm chứ không phải giải ngân một lúc. Trung bình mỗi năm ngân hàng chỉ giải ngân khoảng 6.870 tỷ đồng, con số quá khiêm tốn”, ông Bình nói.

Lý do ngành lúa gạo Việt Nam 'tự đánh mất' 5 tỷ USD/năm- Ảnh 1.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: CK.

Về vốn vay ngắn hạn để thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân khi thu hoạch, theo ông Bình, con số này nằm ở mức 49.000 tỷ đồng và các ngân hàng cũng đã cho các DN vay một phần để kinh doanh xuất khẩu gạo từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, khoản tiền trên chỉ cho vay phần ngọn, chưa đạt nhu cầu chuỗi liên kết lúa gạo cần có. Đây cũng chính là nguyên nhân lúa gạo Việt Nam đứng nhất nhì thế giới nhưng giá trị luôn thấp, sản xuất và tiêu thụ luôn bấp bênh, DN cạnh tranh nhau “bóp bụng” hạ giá gạo để bán lấy tiền đáo hạn ngân hàng khi đến hạn…

“Nay ngân hàng cơ cấu lại cho vay thêm đủ theo chuỗi liên kết để DN thu mua toàn bộ lúa nông dân, các DN chủ động bán gạo khi xuất khẩu. Chấm dứt cảnh khi vào vụ thu hoạch nông dân bị cò, thương lái ép giá , nông dân bán lúa giá thấp; DN do thiếu vốn phải tranh nhau hạ giá gạo xuống bán để có tiền đáo hạn ngân hàng”, ông Bình nói.

Đề án 1 triệu ha lúa mỗi năm thu về 10 tỷ USD

Theo ông Phạm Thái Bình, nếu được vay đủ vốn để thực hiện, Đề án 1 triệu ha lúa mang lại hiệu quả rất lớn. Tổng cộng giá trị thực thu khi liên kết sản xuất theo Đề án hơn 10 tỷ USD, còn khi không liên kết (sản xuất kiểu tự do) chỉ được gần 5 tỷ USD, tức chênh lệch hơn 5 tỷ USD giữa 2 cách thức sản xuất.

“Đây là số liệu cơ bản xuất phát từ sự đầu tư thực tế của công ty chúng tôi, cũng như một số doanh nghiệp khác từ mấy chục năm nay đã và đang thực hiện”, ông Bình cho hay.

Lý do ngành lúa gạo Việt Nam 'tự đánh mất' 5 tỷ USD/năm- Ảnh 2.

Đề án 1 triệu ha lúa được kỳ vọng hiệu quả rất lớn cho ngành hàng lúa gạo ĐBSCL. Ảnh: CK.

Cũng theo ông Bình, ngân hàng, các tổ chức tài chính cho DN ngành hàng lúa gạo vay 2 tỷ USD vốn dài hạn (7-10 năm) và 2 tỷ USD vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng), tổng cộng 4 tỷ USD. Số tiền này rất khiêm tốn so với lượng tiền nhàn rỗi của cộng đồng gửi tại ngân hàng 12 triệu tỷ đồng (khoảng 500 tỷ USD). Trong khi đó, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, mỗi năm chuỗi lúa gạo sẽ thu về 10 tỷ USD, chưa kể tiền thu được từ bán tín chỉ carbon.

“Gạo sẽ là mặt hàng ngày càng khan hiếm trên toàn cầu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cực đoan mà khả năng phục hồi của nhiều quốc gia là không thể. Nếu cứ để ngành hàng lúa gạo sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỷ USD.” - ông Bình phát biểu.

"Phải có bàn tay Nhà nước mới thành công được"

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - khẳng định, nguồn vốn ngân hàng dành cho ĐBSCL từ trước đến nay không thiếu. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ vĩ mô, có một số vấn đề đặt ra. Đầu tiên là rủi ro trong nông nghiệp, nông thôn.

Ông Tú dẫn chứng, cơn bão số 3 vừa qua khiến nhiều nông dân mất hết. Cách xử lý chỉ có giãn, hoãn chứ không thể xóa nợ vì luật không cho phép. Còn khoanh nợ thì phụ thuộc chính quyền địa phương, nhưng chưa địa phương nào công bố "tình huống thiên tai" trên diện rộng và làm chính sách khoanh nợ cho DN, vì khoanh nợ ảnh hưởng đến ngân sách địa phương.

“Giống như Đồng bằng sông Cửu Long trước đây, khi lúa gạo bị sâu bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn cũng phải xử lý theo cách đó. Tóm lại, rất nhiều rủi ro ngành ngân hàng cuối cùng phải gánh chịu, trích lập dự phòng rủi ro” - ông Tú nói.

Lý do ngành lúa gạo Việt Nam 'tự đánh mất' 5 tỷ USD/năm- Ảnh 3.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CK.

Nói về Đề án 1 triệu ha lúa, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết có 4 nguồn lực, trong đó ngân sách hỗ trợ giao thông, thủy lợi, cải tạo đất đai ; vốn vay của Ngân hàng Thế giới (chưa xong thủ tục); vốn đầu tư trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (chưa có); cuối cùng là vốn ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các ngân hàng thực hiện).

"Nói vậy để thấy nguồn vốn cho Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng. Trong khi liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Trong việc liên kết chuỗi cũng như với Đề án 1 triệu ha lúa, phải có bàn tay Nhà nước mới thành công được", ông Tú nói.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/ly-do-nganh-lua-gao-viet-nam-tu-danh-mat-5-ty-usdnam-a217292.html