Đánh thuế nước ngọt có giảm được béo phì?

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc đánh thuế nước ngọt chưa bao quát đầy đủ về đối tượng chịu thuế, gây hiểu lầm, đồng thời có thể tạo ra tác dụng ngược.

Nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5 g/100 ml được đề xuất bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%. Ảnh: Shutterstock.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%.

Quy định mới này được nhiều đại biểu quan tâm, trong đó có các quan điểm trái chiều về việc sắc thuế này có thể giúp thay đổi hành vi hay giảm tỷ lệ thừa cân béo phì như thế nào.

Gây phân biệt đối xử về đối tượng chịu thuế

Tại phiên họp tổ sáng 22/11, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) tán thành với những giải thích về việc bổ sung loại đồ uống này vào diện chịu thuế TTĐB nhằm thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe người dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc áp dụng mức thuế suất 10% được dự báo sẽ tác động không thuận tới các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh đó, ông Phong cho rằng quy định này cũng có khả năng làm dịch chuyển xu hướng tiêu dùng của người dân sang gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc sản xuất thủ công.

Để nội dung này nhận được sự đồng tình và có thể thực thi hiệu quả khi được ban hành, đại biểu đề nghị các cơ quan chuyên môn đưa ra những căn cứ, cơ sở khoa học để chứng minh rằng một trong những nguyên nhân gây béo phì, tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp... là do sử dụng nhiều nước giải khát có hàm lượng đường cao; và việc giảm tỷ lệ sử dụng nước giải khát có hàm lượng đường cao sẽ góp phần cải thiện tình trạng béo phì, các bệnh có liên quan.

Trong khi đó, theo đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), nếu căn cứ nhiệm vụ nêu trong Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia thì rõ ràng việc đề xuất đánh thuế TTĐB chỉ đối với nước giải khát theo TCVN là chưa bao quát đầy đủ, không những không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của Chiến lược đã đặt ra mà còn có tác động ngược ở 2 khía cạnh.

danh thue nuoc giai khat,  thue nuoc ngot,  tieu thu dac biet anh 1

Đại biểu Tạ Thị Yên lo ngại việc bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB có thể gây tác dụng ngược. Ảnh: Quochoi.

Thứ nhất, việc đánh thuế có thể tác động ngược với nhận thức của người tiêu dùng. Thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng chưa hiểu rằng hàm lượng đường trong một số đồ uống có đường như nước ép hoa quả, sản phẩm từ cacao, sữa và thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng còn cao hơn nước giải khát.

Do đó, luật sửa đổi có thể gây hiểu lầm từ phía người tiêu dùng rằng chỉ cần không dùng nước giải khát có đường thì sẽ không bị bệnh thừa cân, béo phì. Người tiêu dùng có thể vẫn chọn lựa các đồ uống có lượng đường cao nêu trên và gây ảnh hưởng đến mục tiêu sức khỏe.

Thứ hai, sắc thuế có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là luật được ban hành phải bảo đảm tính bền vững, tính bao quát và tính công bằng để hướng tới giải quyết đầy đủ một vấn đề xã hội.

Mặt khác, đại biểu đánh giá giải trình của Chính phủ trong hồ sơ dự án luật rằng bước đầu chỉ áp thuế với nước giải khát, còn các sản phẩm đồ uống có đường khác thì sẽ nghiên cứu thêm và xem xét áp dụng sau là chưa thật sự thuyết phục.

Bà cho rằng việc ban hành sắc thuế đối với nước giải khát có đường sẽ tạo sự phân biệt đối xử đối với ngành nước giải khát.

Nông dân và doanh nghiệp lo lắng

Dẫn chứng thực tế ghi nhận ở Bến Tre, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho biết người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến từ dừa đang rất lo lắng bởi quy định không rõ ràng này.

Hiện nguồn cung dừa Bến Tre chiếm 70% cả nước, mặc dù ngọt và có đường nhưng vẫn là nước uống từ thiên nhiên.

Do đó, ông Sơn cho rằng việc quy định hàm lượng đường cần phải rõ ràng, với các mức áp thuế cụ thể cho hàm lượng đường trong sản phẩm, thay vì đánh thuế cả gói.

Cần làm rõ chứ đánh thuế chung chung sẽ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre)

"Bến Tre xuất khẩu dừa với doanh thu hàng năm 500 triệu USD, các sản phẩm như nước dừa đóng lon, sữa dừa sản xuất... Vậy việc đánh thuế như vậy có nghĩ đến sự phát triển của ngành?

Chúng tôi đang muốn bảo vệ sản phẩm này, vườn dừa đang chiếm 80.000 ha, là cây bản địa, cây công nghệ. Cần làm rõ chứ đánh thuế chung chung sẽ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp", đại biểu khuyến cao.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho biết Việt Nam là quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nên nhu cầu giải khát của người dân là rất lớn. Trong đó, có một phần đáng kể là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp.

Nhóm đối tượng này, cũng như người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa... có nhu cầu sử dụng các thực phẩm ngọt khá phổ biến, đặc biệt là các gia đình sống ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Theo bà Hiền, việc đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường thực chất là "đánh" vào người tiêu dùng. Ở đây, đối tượng chịu ảnh hưởng chủ yếu là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

"Đề nghị khi xác định mặt hàng/sản phẩm chịu thuế TTĐB phải cân nhắc tác động của sắc thuế đến nhóm người tiêu dùng nêu trên", đại biểu chia sẻ.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/danh-thue-nuoc-ngot-co-giam-duoc-beo-phi-a217634.html