Để bụng đói đi ngủ ít gây hại hơn ăn quá no
Đi ngủ với bụng đói có thể làm gián đoạn giấc ngủ bởi khi lượng đường trong máu quá thấp vào ban đêm, cơ thể sẽ ra tín hiệu tỉnh giấc để đi tìm đồ ăn. Tuy nhiên nếu trong ngày, mọi người đã đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể thì việc đi ngủ với bụng đói không gây hại cho sức khỏe, thậm chí là tốt hơn so với việc ăn quá no và quá gần giờ đi ngủ.
Theo Verywellhealth, ăn một bữa no trước khi đi ngủ có thể đi kèm nhiều hậu quả bởi sau khi ăn, cơ thể phải mất vài giờ để tiêu hóa thức ăn và quá trình này khó khăn hơn nhiều khi nằm. Không những vậy, nằm xuống ngay sau khi ăn khiến dạ dày dễ trào ngược, dẫn đến chứng ợ nóng vào ban đêm, cảm giác nóng rát khó chịu ở ngực và các triệu chứng khác của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Hoạt động ăn uống thúc đẩy giải phóng insulin, một loại hormone giúp cơ thể sử dụng thức ăn để tạo năng lượng. Quá trình này có thể thay đổi nhịp sinh học của cơ thể bằng cách ra tín hiệu cho não tỉnh táo và cản trở khả năng đi vào giấc ngủ.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học về Giấc ngủ Lâm sàng đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc ăn muộn và giấc ngủ kém chất lượng. Những người ăn muộn cũng có nhiều khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy mối liên hệ giữa thời gian ăn muộn và việc tăng cân. Ngoài ra, rủi ro sức khỏe khi thường xuyên ăn no lúc đêm khuya bao gồm béo phì, tiểu đường và bệnh tim.
Ăn thế nào để ngủ ngon, tốt cho sức khỏe?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên ăn trước khi đi ngủ khoảng 3 tiếng. Ví dụ nếu đi ngủ lúc 9 giờ tối, hãy ăn bữa cuối cùng lúc 6 giờ và có thể chọn ăn nhẹ trước khi tắt đèn. Sau khi ăn tối tốt nhất nên nghỉ ngơi từ 1 đến 2 tiếng trước khi đi ngủ để tránh nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
Một số thực phẩm có chứa nhiều melatonin giúp ngủ ngon hơn bao gồm quả cherry, dâu tây, kiwi, nấm, các loại hạt đặc biệt là óc chó và hạnh nhân. Đồ ăn nhẹ vào đêm khuya có thể là các loại thực phẩm có chứa axit amin tryptophan như gà tây, cá, trứng, sữa nguyên chất giúp kích hoạt hormone serotonin trong cơ thể để giấc ngủ sâu hơn. Lượng nhỏ bánh mỳ, bánh quy làm từ ngũ cốc nguyên hạt cũng có thể là một sự lựa chọn cho bữa ăn nhẹ.
Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Nutrients cho thấy rằng ăn một bữa ăn nhỏ (150 calo hoặc ít hơn) trước khi đi ngủ có lợi cho quá trình trao đổi chất, tái tạo mô cơ. Vậy nên bạn chỉ nên ăn một lượng nhỏ thức ăn để không cảm thấy quá no, đầy bụng, ngủ ngon hơn mà vẫn tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, nên tránh những thực phẩm có thể gây ra chứng ợ chua như đồ ăn cay, có tính axit như cam quýt, cà chua, sô cô la, bạc hà cay. Nếu chọn các thực phẩm nhiều gia vị hoặc dầu mỡ còn khiến chất béo dễ tích tụ, gây ra gan nhiễm mỡ vì quá trình trao đổi chất của cơ thể con người chậm lại vào ban đêm. Cà phê, trà, soda, nước tăng lực cũng là những đồ uống chứa caffeine khiến khó ngủ, đi tiểu nhiều vào ban đêm gây gián đoạn giấc ngủ.