Tàu không có khả năng phá băng “đánh liều” chở LNG của Nga qua Bắc Cực

11/09/2024 08:11

Động thái này cho thấy những nỗ lực mà Nga thực hiện để mở rộng việc cung cấp khí đốt ra thị trường trong bối cảnh các đòn trừng phạt liên tiếp của Mỹ giáng vào nhà máy Arctic LNG 2 ở Bắc Cực và các tàu phá băng chuyên dụng.

Trong một động thái mạo hiểm nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà sản xuất LNG hàng đầu của Nga là Novatek đã điều động một con tàu mang tên Everest Energy chở hàng qua vùng biển băng giá của Tuyến đường biển phía Bắc (NSR).

Đây là lần đầu tiên một tàu chở hàng thông thường không có khả năng phá băng thử vượt qua tuyến đường biển này mà không có sự trợ giúp của các tàu phá băng chuyên dụng.

Chuyến đi cho thấy mức độ rủi ro trong vận chuyển hàng hóa ở Bắc Cực đang leo thang. Everest Energy không nhận được giấy phép từ Cục Quản lý Tuyến đường biển phía Bắc – cơ quan cấp phép hàng hải ở Bắc Cực của Nga.

Everest Energy đã nhận một lô hàng từ nhà máy Arctic LNG 2 của Novatek ở Đông Bắc nước Nga vào cuối tuần trước và hiện đang trên đường đến châu Á qua Tuyến đường biển phía Bắc, theo dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg biên soạn.

Con tàu này được đóng vào năm 2003, đã bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt hồi tháng trước với cáo buộc có liên quan đến "hạm đội bóng tối" chuyên chở LNG của Nga. Everest Energy cũng đã bị Palau thu hồi vĩnh viễn giấy chứng nhận vận chuyển vào tuần trước.

Tàu không có khả năng phá băng “đánh liều” chở LNG của Nga qua Bắc Cực- Ảnh 1.

Những con tàu cũ kỹ như thế này được cho là đang được sử dụng để vận chuyển LNG từ dự án của Nga ở Bắc Cực. Trong ảnh là tàu Asya Energy, lúc đó có tên là LNG Rivers, đã hoạt động được 22 năm. Ảnh: High North News

Kể từ năm 2017, Tuyến đường biển phía Bắc đã chứng kiến hàng trăm chuyến tàu chở LNG từ dự án Yamal LNG ra thị trường bằng các tàu chuyên dụng có khả năng di chuyển trên băng. Nhưng Everest Energy là con tàu không có khả năng phá băng đầu tiên tìm cách vận chuyển hàng qua tuyến hải trình dài 3.500 hải lý (6.482 km) này.

Con tàu khởi hành vào cuối ngày 6/9 đã đi vào Biển Kara theo hướng Đông hướng về châu Á. Thông thường, mật độ băng được ghi nhận ở mức tối thiểu ở Bắc Cực là vào trung tuần tháng 9.

Điểm đến cuối cùng của Everest Energy vẫn chưa rõ ràng. Tàu có thể chuyển khí đốt đến đơn vị lưu trữ nhiên liệu Koryak ở bán đảo Kamchatka của Nga hoặc đến một cảng nhập khẩu ở châu Á.

"Vẫn chưa biết liệu Everest Energy có được hộ tống ra khỏi Đảo Wrangel hay không, vì có rất nhiều băng trôi. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn rủi ro mà các tàu không có khả năng phá băng phải đối mặt khi di chuyển đơn độc", Giáo sư Hervé Baudu, chuyên gia vận tải Bắc Cực và Trưởng khoa Giáo dục Hàng hải tại Học viện Hàng hải Pháp (ENSM), cho biết.

Động thái này cho thấy những nỗ lực mà Nga thực hiện để mở rộng việc cung cấp khí đốt ra thị trường trong bối cảnh các đòn trừng phạt liên tiếp của Mỹ giáng vào nhà máy LNG hàng đầu của Moscow ở Bắc Cực và các tàu phá băng chuyên dụng.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Pháp: Chính trị gia cực hữu Le Pen lên tiếng về lựa chọn của ông MacronPháp: Chính trị gia cực hữu Le Pen lên tiếng về lựa chọn của ông Macron

Minh Đức (Theo gCaptain, Bloomberg)