Thống đốc nêu lý do chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC

11/11/2024 20:11

Người đứng đầu NHNN cho biết mục tiêu hiện tại là tăng cung cho thị trường vàng để bình ổn nên chưa đặt vấn đề mua vàng miếng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong Chương trình Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Quochoi.

Sáng 11/11, Chương trình Kỳ họp thứ 8 tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Đức đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề đã thực hiện các giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng như thế nào. Các giải pháp này tác động tới thị trường vàng hiện tại và tương lai ra sao.

Mục đích tăng cung vàng nên không mua lại

Trả lời, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trước đó NHNN đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012 và thực hiện các giải pháp ổn định từ năm 2013. Giai đoạn năm 2014-2019, NHNN đánh giá thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm.

Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, NHNN chưa can thiệp nhưng từ tháng 6/2024 đến nay, giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh kéo giá vàng trong nước tăng theo.

“Trước bối cảnh này, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt để bình ổn thị trường vàng. Căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành, NHNN đã tổ thức 9 phiên đấu thầu. Đây là giải pháp mà NHNN thực hiện khá hiệu quả trong năm 2013.

Tuy nhiên trong bối cảnh mới, giá vàng lập đỉnh ở mức cao, tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng dâng lên cao nên sau 9 phiên đấu thầu chúng tôi nhận thấy chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao”, Thống đốc chia sẻ.

Để thu hẹp nhanh chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chuyển qua phương án bán trực tiếp cho 4 ngân hàng vốn Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank.

“Nhờ cách thức can thiệp này nên chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ mức 15-18 triệu đồng/lượng đến hiện tại chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng”, Thống đốc chỉ ra.

Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN đánh giá thị trường vàng sẽ còn diễn biến phức tạp, và vì Việt Nam không phải nước sản xuất vàng nên việc can thiệp sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu vàng quốc tế.

“Điều này khiến diễn biến trở lên khó lường hơn. Tuy nhiên NHNN sẽ tiếp tục giám sát để đưa ra những chính sách ổn định thị trường vàng”, bà Hồng nhấn mạnh.

Trong phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cũng đưa câu hỏi tại sao NHNN chỉ bán vàng miếng mà không mua lại và lý do NHNN chỉ bán vàng miếng SJC tại khu vực Hà Nội và TP.HCM.

Trả lời đại biểu, Thống đốc cho biết NHNN vẫn đang nắm độc quyền sản xuất vàng miếng. Xét thấy từ năm 2014 đến nay, NHNN đã không cung vàng miếng ra thị trường nên với bối cảnh và nhu cầu gia tăng thì NHNN thực hiện biện pháp cung vàng. “Hiện NHNN chưa đặt vấn đề mua lại”, bà Hồng thông tin.

thi truong vang anh 1

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.

Đối với các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước, trong giai đoạn này cũng sẽ thực hiện theo đúng mục tiêu của NHNN là tăng cung vàng ra thị trường.

Với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, hiện có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng được cấp phép. Các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng này vẫn đang hoạt động mua bán vàng miếng bình thường.

“Câu chuyện doanh nghiệp không mua vàng miếng của cá nhân có thể tới từ một vài lý do, trong đó có thể doanh nghiệp cần cân đối dòng tiền hoạt động”, Thống đốc phân tích.

Về việc NHNN chỉ bán vàng miếng ở khu vực Hà Nội và TP.HCM, Thống đốc cho biết NHNN chỉ thực hiện việc cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng và không có quy định bắt buộc phải mua bán ở địa điểm nào.

Bản thân doanh nghiệp và tổ chức tín dụng sẽ xem xét đánh giá trên nhu cầu tại các tỉnh, thành và mở địa điểm mua bán vàng miếng.

Tuy nhiên qua đánh giá cũng cho thấy nhu cầu mua vàng miếng phần lớn tập trung tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn. Còn lại các tỉnh, thành phố khác hầu như không có tình trạng xếp hàng mua vàng.

Vì sao người dân gửi tiết kiệm USD không được nhận lãi?

Bên cạnh nội dung về vàng, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đặt câu hỏi về việc huy động USD ở nước ngoài phải trả lãi nhưng người dân trong nước gửi tiết kiệm bằng USD không được nhận lãi suất.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường ngoại hối và tỷ giá của Việt Nam thường xuyên biến động và có giai đoạn nền kinh tế ghi nhận thặng dư ngoại tệ.

Tuy nhiên, mỗi khu vực lại có xu hướng nắm giữ và không bán, tức là người có thì không bán và người chưa có nhu cầu đã đi mua ngoại tệ. “Điều này khiến thị trường ngoại hối và tỷ giá của Việt Nam biến động mạnh gây bất ổn về kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nhấn mạnh.

thi truong vang anh 2

Lãi suất huy động USD tại thị trường Việt Nam hiện ở mức 0%/năm. Ảnh: Nam Khánh.

Trước bối cảnh này, từ năm 2016, NHNN đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất là kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát để giữ ổn định của tiền Đồng. Hai là kết hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để kích thích việc nắm giữ VND hấp dẫn và có lợi hơn USD.

“Theo đó, NHNN điều chỉnh lãi suất USD về 0% cùng với đó là ban hành các thông tư để hạn chế việc doanh nghiệp mua USD trước khi có nhu cầu về ngoại tệ. Đặc biệt là công cụ điều hành tỷ giá trên cơ sở tỷ giá trung tâm. Tỷ giá này sẽ biến động hàng ngày, khác hoàn toàn với trước đây khi tỷ giá chỉ có 1 chiều tăng. Cách làm này hạn chế được tâm lý đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế”, Thống đốc chia sẻ.

Quy trình hiện nay là doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ sẽ đem bán cho tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng bán lại cho NHNN. Cách làm này giúp Dự trữ ngoại hối gia tăng, có thời điểm đạt hàng trăm tỷ USD cao hơn rất nhiều so với giai đoạn cuối năm 2015, dự trữ chỉ khoảng trên 30 tỷ USD.

Lãnh đạo NHNN đánh giá đây là chính sách rất hiệu quả cho việc ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi nếu nhà điều hành thực hiện tăng lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ tức là người nắm giữ ngoại tệ vừa được lợi về biến động tỷ giá cộng thêm lãi suất tiền gửi. Điều này có thể gây tâm lý chuyển dịch tiền gửi từ VND sang ngoại tệ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối.

Chưa ưu tiên nhập khẩu vàng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết Nghị định 24/2012 không cấm các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu để làm trang sức mỹ nghệ nhưng thực tế lại đang cấm nhập khẩu vàng. Theo ông An, tư duy này đang vi phạm nguyên tắc "không quản được thì cấm", ảnh hưởng lớn đến thị trường, người dân.

Do đó, đại biểu đặt vấn đề có nên để doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ được nhập khẩu vàng về để sản xuất phục vụ người dân, thị trường. Trong khi đó, cơ quan quản lý áp dụng các công cụ vĩ mô để quản lý thị trường như thuế, các công cụ tài chính…

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Nghị định 24/2012 quy định về cách thức quản lý với thị trường vàng miếng và vàng trang sức mỹ nghệ. Trong đó, với vàng trang sức mỹ nghệ, hiện NHNN chỉ cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất. Với hoạt động kinh doanh trang sức mỹ nghệ, NHNN đã ban hành thông tư hướng dẫn do đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Hiện đầu vào cho sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ chủ yếu là nhập khẩu, cũng có thể doanh nghiệp tự mua bán tại thị trường trong nước.

"NHNN không cấm nhập khẩu vàng nhưng theo quy định thì NHNN độc quyền nhập khẩu. Ở Nghị định 24/2012 quy định rất rõ, tùy theo mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ mà nhà điều hành quyết định về việc xuất nhập khẩu vàng và sản xuất vàng miếng", Thống đốc thông tin.

Lãnh đạo NHNN cho biết hiện ngoại tệ đang ưu tiên để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu khác thay vì vàng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ xem xét và có đánh giá phù hợp với quy định này.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.