Từng được đánh giá là ‘vùng trũng’, đến nay đón loạt đại bàng Foxconn, Luxshare, Goertek...: Tỉnh miền Trung sẽ đầu tư cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng

19/11/2024 20:03

Từ một địa phương được đánh giá là vùng trũng của thu hút đầu tư, đến nay, tỉnh miền Trung này được xếp vào TOP 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.

Từng được đánh giá là ‘vùng trũng’, đến nay đón loạt đại bàng Foxconn, Luxshare, Goertek...: Tỉnh miền Trung sẽ đầu tư cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng- Ảnh 1.

Nhà máy Luxshare – ICT (Nghệ An) (Ảnh: Internet)

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, sáng ngày 18/11, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An về kết quả triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW đúng thời điểm và hết sức ý nghĩa trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, từ một địa phương được đánh giá là vùng trũng của thu hút đầu tư, đến nay, tỉnh được xếp vào TOP 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.

Từng được đánh giá là ‘vùng trũng’, đến nay đón loạt đại bàng Foxconn, Luxshare, Goertek...: Tỉnh miền Trung sẽ đầu tư cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng- Ảnh 2.

Quảng cảnh buổi làm việc (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An)

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để mở rộng thu hút đầu tư. Chủ động đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư như mở rộng mặt bằng khu công nghiệp; đầu tư hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng ; từng bước chú trọng thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít sử dụng đất đai và lao động.

Bên cạnh đó, Nghệ An tập trung khuyến khích doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nội tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI, từng bước chuyển giao công nghệ, nội địa hóa.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị cần phải thay đổi tư duy tiếp cận từ các thủ tục tiền kiểm sang tư duy hậu kiểm; các dự án tương tự đã được thực hiện thì cần đơn giản hóa thủ tục.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh thông tin, lũy kế đến tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 147 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD. Các dự án FDI đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan.

Với sự hiện diện của các tập đoàn lớn, số vốn đầu tư lớn, Nghệ An lọt TOP 10 về thu hút đầu tư FDI trong năm 2022, 2023; đã và đang trở thành “điểm sáng” trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước.

Từng được đánh giá là ‘vùng trũng’, đến nay đón loạt đại bàng Foxconn, Luxshare, Goertek...: Tỉnh miền Trung sẽ đầu tư cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng- Ảnh 3.

Với sự hiện diện của các tập đoàn lớn, số vốn đầu tư lớn, Nghệ An đã và đang trở thành "điểm sáng" trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước (Ảnh: Internet)

Vốn FDI trong khu kinh tế và khu công nghiệp Nghệ An đạt hơn 105.786 tỷ đồng, tương đương hơn 4,5 tỷ USD. Hiện nay, 6 ông lớn công nghệ hàng đầu là Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và Juteng, Tập đoàn Sunny đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào tỉnh.

Năm 2019, khu vực FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước 234,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,57%. Sang năm 2023, khu vực FDI đóng góp 268,97 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,34%; dự kiến năm 2024 là 240,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,13%.

Năm 2024, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 49.000 người, tăng 78,18% so với năm 2019. Khu vực FDI đã giải quyết một lượng lao động lớn cho tỉnh, nhất là lao động nữ, lao động ở vùng nông thôn với mức lương bình quân năm 2019 là 6,1 triệu đồng/người/tháng, năm 2023 là 6,4 triệu đồng/người/tháng…

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, việc thẩm định các dự án FDI trên địa bàn gặp một số khó khăn. Điển hình, hồ sơ dự án được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều ngành khác nhau, hoặc thường xuyên thay đổi khiến cơ chế, chính sách thay đổi gây tâm lý e ngại đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn nhân lực, chưa xây dựng được các tiêu chí về đầu tư, việc áp dụng chính sách chuyển giao công nghệ, chính sách đào tạo, nâng cao trình độ cho lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp FDI chưa rõ ràng… cũng tạo nên những khó khăn trong việc thẩm định các dự án FDI trên địa bàn.